Chiều ngày 03/10/2018 Tại Trường TH-THCS Nguyễn Viết Xuân, Xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa. Phòng VH&TT thị xã phối hợp với Trường Văn hóa NT tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ bế giảng thành công lớp truyền dạy văn hóa cồng chiêng dân gian cho 38 học viên. Tham gia Lễ bế giảng có thầy Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Hiệu trưởng trường VHNT tỉnh, lãnh đạo Ban tuyên giáo Thị ủy, lãnh đạo phòng VH&TT thị xã, đại diện lãnh đạo xã Ia Rtô, Ban giám hiệu, các thầy, cô giáo trường TH – THCS Nguyễn Viết Xuân, các em học sinh cùng dự và thưởng thức thực tế kết quả học tập mà các em học viên đã được tiếp nhận trong thời gian được truyền dạy, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng dân gian.
Từ xa xưa, trong tiềm thức của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cồng chiêng được xem là những nhạc cụ thiêng, là linh hồn, là biểu tượng của thần linh, và của cả cộng đồng dân tộc và chỉ được diễn tấu cồng chiêng trong các buổi cúng tế, lễ hội quan trọng. Trong các nghi lễ, nghi thức cúng tế, tiếng chiêng trở thành sợi dây liên kết, là ngôn ngữ mà con người sử dụng để truyền đạt những tâm tư, ước muốn của mình với thế giới siêu nhiên của thần linh. Trong đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số Tây nguyên, cồng chiêng đi theo suốt vòng đời của con người, từ lễ thổi tai khi mới chào đời vài tháng tuổi đến lễ trưởng thành khi đã bước qua tuổi dậy thì, từ lễ cưới cho đến khi nằm xuống trở về với cát bụi đều có tiếng chiêng tiễn đưa đến nhà mồ, rồi tiếng chiêng lại ngân nga trong lễ Bỏ mả dẫn dắt linh hồn về với ông bà tổ tiên.
Tuy nhiên, qua thời gian biến đổi, cải tiến, ngày nay cồng chiêng chỉ còn xuất hiện lẻ tẻ trong các dịp lễ hội dân gian và có xu hướng ngày càng mai một, bởi do cùng với sự phát triển của xã hội, các nền văn hóa khác được du nhập vào nước ta được đông đảo các bộ phận người dân tiếp cận, rồi dần làm trung hòa, phai mờ đi các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có văn hóa cồng chiêng Tây nguyên.
Nhằm lưu giữ lại các giá trị văn hóa truyền thống dân gian quý báu đó, với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã, trong các năm qua thị xã Ayun Pa đã tích cực lưu giữ lại các nét văn hóa truyền thống của địa phương, trong đó việc truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ biết giá trị và cách đánh cồng chiêng dân gian được thị xã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi tối đa. Bên cạnh việc khuyến khích các đội chiêng thế hệ đi trước thường xuyên luyện tập, biểu diễn thì với việc đào tạo các đội chiêng trẻ cho các em thiếu niên cũng được thị xã quan tâm. Việc tổ chức, phối hợp với trường Trung cấp Văn hóa NT tỉnh Gia Lai trong 02 năm qua đào tạo được 02 đội chiêng nhí với 70 học viên, đầu tư mua sắm 02 bộ cồng chiêng cho 02 trường THCS Đinh Tiên Hoàng Và TH-THCS Nguyễn Viết Xuân là kết quả lớn mà thị xã đã đạt được trong việc lưu giữ lại các truyền nhân cho thế hệ tiếp theo. Hi vọng trong những năm tiếp theo cùng với sự trưởng thành của các đội chiêng nhí đi trước thì các đội chiêng nhí tiếp theo sẽ được nhân rộng, tạo tiền đề vững mạnh trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của thị xã, trong đó văn hóa cồng chiêng dân gian là điểm sáng dẫn đầu./.
(Phạm Chi - VHTT)