CHUYÊN MỤC

Đồng bào dân tộc thị xã Ayun Pa, đoàn kết một lòng đi theo Đảng

31/07/2014
Thị xã Ayun pa có  tổng số dân là 36.310 người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số 17.825 người chiếm 49,1%, gồm 26 Bôn, làng ( hiện nay vẫn còn  08 làng đặc biệt khó khăn). Toàn thị xã có 12 dân tộc anh em sinh sống xen kẽ với nhau đó là: Dân tộc Kinh, Jrai, Banar, Êđê, Nùng, H' Roai, Sán chỉ, Hoa (Hán), Tày, Mường, Cơ Ho và Thái.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 24 của Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa IX) và Nghị định 05- ngày 14 tháng 11 năm 2011của Chính phủ về “ công tác dân tộc”. Với sự lãnh đạo của Đảng bộ thị xã Ayun Pa, kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số thị xã có bước phát triển khá,;cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất tinh thần từng bước được nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị từng bước được củng cố. 
 
Với chủ trương xóa bỏ sự  phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính phủ đã có  nhiều  chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, như: chương trình 134, chương trình 135 giai đoạn II và chương trình,167, 168 đã từng bước hỗ trợ cho đồng bào nghèo giống,  cây trồng, vật nuôi, phân bón, nhà ở.. tạo  điều kiện cho bà con làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
 
Đồng bào hưởng lợi từ các chương trình mục tiêu Quốc gia xóa đói giảm nghèo
Tính từ năm 2010 đến nay, đã có trên hàng nghìn đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của thị xã được nhận hỗ trợ giống lúa, giống Bắp, phân bón, Bò sinh sản, muối..Cụ thể: Chương trình 135 trong 2 năm 2012 và 2014 đã hỗ trợ bà con 44 Bò cái sinh sản với tổng tiền trị giá 470.052.000đ; xây dựng 5 nhà sinh hoạt cộng đồng để bà con có nơi hội họp, giao lưu, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi;  xây dựng 660 m đường giao thông nông thôn với tổng trị giá trên 2.800.000.000đ, tạo thuận lợi cho lưu thông đi lại  chuyên chở nông sản.  Ngoài ra chương trình cũng hỗ trợ 15.842 kg phân bón cho 452 hộ nghèo với tổng tiền trị giá trên 265 triệu đồng. Cùng với chương trình 135, chương trình 168 cũng đã hỗ trợ 278 tấn muối cho 9541 hộ với trên 4417 kg phân bón ; chương trình 167 cũng đã hỗ trợ xây dựng được  161  căn nhà cho 161 hộ nghèo, với tổng tiền trị giá 1.401.600.000đ, giúp các gia đình có mái nhà vững chãi để che mưa, che nắng. 
Với các chương trình xóa đói giảm nghèo này đã từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống. Cùng với đó, nhận thức về sản xuất nông nghiệp của bà con không ngừng được nâng lên, cây lúa nước mỗi năm 2 vụ đã trở thành nguồn lương thực chính giúp bà con ổn định lương thực tại chỗ; cây Mỳ cao sản đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo nâng cao dần mức sống của bà con; Các dự án giao đất, giao rừng, đã đề cao trách nhiệm của bà con trong việc chăm lo bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương nói riêng và của đất nước nói chung. 
 
Cùng với các chương trình hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đảng và nhà nước cũng luôn quan tâm đến việc chăm lo sức khỏe cho bà con. Trong 5 năm qua đã cấp được 58.772 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào nghèo, đồng thời hàng năm tổ chức đến tận Bôn, làng, khám cấp thuốc cho bà con, những hoạt động ý nghĩa này đã để lại những tình cảm hết sức cảm động trong lòng bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Ông KsorVen, Bôn Hoang2, xã Iasao, bệnh đau nhiều năm sức khỏe yếu không đi lại được, không thể đến Trạm  xá để khám bệnh, các Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa khu vực cũng đã đến tận nhà để khám bệnh và cấp thuốc cho ông. Ông xúc động nói:- Hôm nay tôi rất cảm động có các Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa đến nhà khám bệnh, trong lúc nhà tôi khó khăn, đau ốm, không đi tới trạm xá được, rất cảm ơn sự quan tâm của mọi người với gia đình tôi..
Song song với chăm sóc sức khỏe, Thị xã cũng luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của bà con, nghị quyết TW 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa VN tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã như làn gió mát,  khơi dậy và phát huy những  nét văn hóa đặc trưng của bà con các dân tộc địa phương: Văn hóa phi vật thể Cồng chiêng, hơn lúc nào hết đã trỗi dậy, rộn ràng, vang xa..khắp thôn, bản, núi rừng...tiếng nhạc như nhắc nhở, như thôi thúc những người con Tây nguyên hãy đoàn kết yêu thương, sắt son một lòng với Đảng và nhà nước, chung tay lao động sản xuất, để xây dựng bản làng, quê hương ngày một no ấm hơn.. 
Hạ tầng cơ sở ngày càng được củng cố, xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần bà con các dân tộc thiểu số đã khá lên.
 
Nếu như cách đây 5 năm,  tỷ lệ trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số trong độ tuổi đến trường còn ở mức thấp, thì đến nay hầu hết con em đồng bào các DTTS đều được tạo điều kiện đến trường, tỷ lệ đạt trên 95%,  từ đó góp phần nâng cao trình độ dân trí tại mỗi làng bản. Mặc dù là một thị xã mới thành lập, kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hệ thống giáo dục tại thị xã trong những năm qua đã được đầu tư khá tốt, hiện cơ sở vật chất trường, lớp ở các bậc học đã được kiên cố hóa đạt gần 100%. Địa phương có đầy đủ hệ thống các trường từ Mầm non, Tiểu học, THCS cho đến THPT.
 
Năm học 2013 – 2014, thị xã hiện có 24 đơn vị trường học. Trong đó, Mẫu giáo:  7 trường;  Tiểu học: 8 trường;  THCS: 7 trường..Với tổng số 8799 học sinh ( trong đó, học sinh dân tộc thiểu số 3742 em, chiếm tỷ lệ 42,5% và  2 trường THPT; Đã có 8/8 xã, phường được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; thị xã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2009. 
Bê tông hóa giao thông nông thôn trong những năm qua là một thành quả rất đáng tự hào của thị xã.  Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay thị xã  đã thực hiện được gần 30 km, đảm bảo giao thông thông suốt đến tận thôn, bản, góp phần không nhỏ trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội,làm thay đổi diện mạo của các xã vùng xa, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng không ngừng thay đổi.
Để nâng cao nhận thức về pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số, các phòng, ban có liên quan đã phối hợp với các xã, phường tổ chức phổ biến kịp thời các văn bản giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn làng đặc biệt khó khăn. Quan tâm hỗ trợ cấp kinh phí cho người nghèo trong thời gian học nghề. Hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm; hỗ trợ vốn vay xuất khẩu lao động.  Hàng năm tổ chức khảo sát nắm tình hình thiệt hại, thiếu đói về lương thực, cứu trợ gạo, cứu đói giáp hạt hàng năm cho hộ thiếu ăn, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ gây ra. Được hỗ trợ hiểu biết về pháp luật, cuộc sống người dân đã ngày càng tiến bộ hơn, trật tự an toàn xã hội trong Bôn, làng cũng được ổn định.  ông KsorKai, già làng tiêu biểu Bôn KRai, xã IarBol cho biết: – Trong 5 năm qua, ông cùng các ban ngành của xã đã tổ chức hòa giải thành công gần 150 vụ mâu thuẫn, tranh chấp, có được kết quả này là nhờ sự nhận thức về pháp luật bà con đã được nâng lên.
Đặc biệt phong trào HT&LTTT và tấm gương đạo đức HCM cũng lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp đồng bào dân tộc thiểu số. Học theo Bác, các già làng đã thường xuyên nhắc nhở và răn dạy con cháu cũng như dân làng hãy biết đoàn kết, chăm chỉ lao động, biết học cái chữ để có trí thức, các già làng khuyên bảo dân làng: “ nuôi dạy con cái không chỉ nuôi cái bụng mà phải nuôi cái đầu”. Làm  theo đạo đức của Bác Hồ, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều cán bộ và người dân đã tự nguyện hiến đất để xây dựng trường học cho con em trong làng được đi học cái chữ, đó là các Anh: Ksor Biơn, Ksor Chau, Ksor Mim, Ksor Puăh, chị Nay H’ Kéo xã Chư Băh; anh Nay Ka.. xã IaRtô;  anh Nay Khơng, Nay Bim xã IaBol... Cụ Rcom Pơ già làng tiêu biểu Bôn Ma Dơng, phường Đoàn kết, là già làng tiêu biểu trong việc HT&LTTG đạo đức HCM chia sẻ:
 
Hôm nay đây, những người đi xa trở về thăm quê sẽ thấy đời sống của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số khác xưa nhiều lắm! Bôn, làng đều được định cư khang trang. Đường sá được  bê tông từ đầu làng đến tận cuối xóm. 100% hộ đồng bào đều có điện sinh hoạt. Trên 95% hộ đồng bào được dùng nước sạch.Trên 95% trẻ em được đến trường để học cái chữ. Con em đồng bào dân tộc thiểu số được học hành có việc làm chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Trình độ học vấn, trình độ nhận thức của người dân cũng được nâng lên một mức. Tỷ lệ hộ nghèo năm sau luôn thấp hơn năm trước. Đầu năm 2010 thị xã  có 856 /3287 số hộ DTTS nghèo, với tỷ lệ 26,04%,  đến đầu năm 2014 đã giảm xuống còn 483 /3439 số hộ DTTS nghèo, với tỷ lệ 14,04% , con số này đã chứng minh, qua 5 năm xây dựng kinh tế- xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã thật sự đã phát triển thêm một bước.
Định hướng về tình hình phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, đ/c Nay Nam, phó chủ tịch UBND thị xã cho biết: – Thời gian tới thị xã sẽ tiếp tục thực hiện tốt các  chính sách hỗ trợ của Đảng và nhà nước về  phát triển toàn diện kinh tế- xã hội cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từng bước giảm nghèo bền vững; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách đồng bộ; Môi trường sinh thái được bảo vệ. Trình độ dân trí được nâng cao, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; các hộ nghèo đều có nhà ở ổn định,  sản xuất bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa;  Củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc, hệ thống chính trị cơ sở, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội./. (Bích Vân)

contract-(4).png Thông tin bản quyền

- Cơ quan: UBND thị xã Ayun Pa - tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Số 63 Nguyễn Huệ - Đoàn Kết - thị xã Ayun Pa - Gia Lai
- Điện thoại: (0269) 3 852700 - Fax: (0269)3852700
- Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm: Ông: Đoàn Thanh Phong - Chánh Văn phòng HĐND- UBND thị xã
- Giấy phép: Số 04/GP-TTĐT ngày 15/6/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông.
tinnhiemmang-(2).png

pie-chart.png Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 3
Tháng hiện tại: 4
Năm hiện tại: 6
Tổng lượt truy cập: 78
Số người on-line: 1

customer-service.png Hỗ trợ kỹ thuật

 
Sdt:(0269) 38522700
Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
   Copyright © 2017