CHUYÊN MỤC

Thị xã Ayun Pa: Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn trên địa bàn thị xã

11/03/2022
Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn sự phát tán và lây lan gây hại của bệnh khảm lá virus hại sắn trên địa bàn thị xã, đồng thời thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có trồng sắn trong công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn, qua đó tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng trừ bệnh khảm lá virus hại sắn trên địa bàn thị xã, Ủy ban nhân dân thị xã Ayun Pa đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các xã, phường khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn trên địa bàn thị xã.
Bệnh khảm lá virus hại sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), do virus gây ra, lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống. Bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn, triệu chứng dễ nhận biết nhất là phiến lá khảm vàng loang lổ, hại nhẹ lá không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, hại nặng làm cho lá xoăn, cong queo, nhăn nhúm, bệnh có khả năng lây lan nhanh, khó phòng trừ, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sắn.  Tính đến ngày 31/12/2021, diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá virus trên địa bàn thị xã là 183 ha (nhẹ 183ha, trung bình 0 ha, nặng 0 ha), chủ yếu phân bố tại 04 xã. Hiện nay bệnh vẫn chưa có thuốc phòng trừ đặc hiệu, bệnh lan truyền chủ yếu qua môi giới truyền bệnh và hom giống sắn.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh khảm lá virus hại sắn, nhằm triển khai sản xuất vụ Đông xuân 2021 - 2022 và cả năm 2022 được thuận lợi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra trên cây sắn, Ủy ban nhân dân thị xã Ayun Pa đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các xã, phường trên địa bàn tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo tình hình phát sinh và gây hại của bệnh khảm lá virus hại sắn để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, hướng dẫn người dân không được sử dụng giống sắn đã bị nhiễm bệnh, sử dụng giống sắn phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; khuyến khích sử dụng nguồn giống tại chỗ đã kiểm soát bệnh. Tính toán lượng giống sắn sạch bệnh để cung ứng đủ lượng giống cho các vùng trồng sắn trên địa bàn thị xã. Hướng dẫn người dân thực hiện quy trình thâm canh cây sắn; bón phân đúng thời kỳ, đúng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây sắn để cây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế tối đa tác động của bệnh khảm lá virus đến năng suất và chất lượng sắn. Triển khai kịp thời, hiệu quả công tác tiêu hủy nguồn bệnh; hướng dẫn người dân vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch, thu gom các tàn dư thực vật đem cày vùi, chôn lấp để tiêu hủy nguồn bệnh. Tuyên truyền phổ biến các cơ chế chính sách hỗ trợ người dân trồng sắn; triển khai thực hiện các liên kết sản xuất giữa người dân với hợp tác xã, doanh nghiệp hiệu quả, ổn định, bền vững mang lại thu nhâp cao cho người nông dân.

Để triển khai các nhiệm vụ đã đề ra, Ủy ban nhân dân yêu cầu các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các xã, phường thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan của thị xã đến người dân nhằm nâng cao nhận thức trong phòng trừ bệnh khảm lá virus hại sắn. Khuyến cáo người dân sử dụng giống sắn có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh; không mua bán, trao đổi giống không rõ nguồn gốc, giống chưa có chứng nhận của cơ quan chuyên môn. Đẩy mạnh công tác khuyến nông; xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng sắn có hiệu quả; áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật thâm canh và đưa nhanh các giống sắn mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt vào sản xuất. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, người tham gia sản xuất nông nghiệp, người tiêu dùng về phát triển nông nghiệp theo chuỗi và các tác động tích cực tới đời sống kinh tế, xã hội; hình thành các chuỗi liên kết sắn giữa nông dân và hợp tác xã, doanh nghiệp. Phân công, cử cán bộ chuyên môn bám địa bàn; theo dõi, nắm bắt chặt chẽ tình hình sản xuất trồng trọt, diễn biến bệnh khảm lá virus gây hại sắn. Tăng cường công tác điều tra, phát hiện, theo dõi thường xuyên diễn biến bệnh khảm lá virus hại sắn và môi giới truyền bệnh trên đồng ruộng, dự đoán chính xác thời điểm bệnh phát sinh để chủ động các biện pháp phòng trừ hiệu quả ngay từ khi bệnh mới phát sinh ở giai đoạn cây sắn đang còn nhỏ tuổi (dưới 3 tháng tuổi). Đẩy mạnh công tác khảo nghiệm, nhân giống sắn có năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh khảm lá virus, thích ứng điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết trên địa bàn thị xã để phục vụ cho sản xuất. Khuyến cáo người dân sử dụng nguồn giống tại chỗ ở địa phương có nguồn gốc rõ ràng chưa bị nhiễm bệnh; hạn chế việc trao đổi, mua bán giống không rõ nguồn gốc, giống chưa có chứng nhận của cơ quan chuyên môn. Áp dụng các biện pháp cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phòng trừ sâu, bệnh hại sắn. Hướng dẫn người nông dân trồng sắn đúng thời vụ, bón phân cân đối phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây giúp cho cây sắn sinh trưởng, phát triển thuận lợi; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; đảm bảo sử dụng cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sinh học, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong sản xuất. Chuyển những diện tích trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá virus hại sắn nặng sang trồng các loại cây trồng khác như ngô, cây đậu đỗ, ...ít nhất 01 năm để cắt đứt nguồn bệnh mới trồng sắn trở lại. Đối với diện tích sắn bị nhiễm bệnh từ 70% số cây trở lên thì nhổ bỏ tiêu hủy toàn bộ diện tích. Đối với diện tích có dưới 70% số cây bị nhiễm bệnh thì nhổ bỏ tiêu hủy các cây bị nhiễm bệnh và trồng dặm lại bằng các cây giống sạch bệnh. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sắn giữa nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp (các nhà máy chế biến mỳ trên địa bàn tỉnh); xây dựng hệ thống canh tác hợp lý trong vùng nguyên liệu có tác dụng bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sinh thái một cách bền vững, hạn chế các đối tượng sâu bệnh gây hại, kiểm soát được tình trạng sử dụng không hợp lý các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Hướng dẫn, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách trong hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do bệnh khảm lá virus gây ra trên cây sắn theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Bệnh khảm lá sắn là loại bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh và làm thiệt hại đến năng suất, chất lượng của cây sắn. Để công tác phòng trừ bệnh khảm lá sắn có hiệu quả và hướng tới việc sản xuất sắn trên địa bàn thị xã đảm bảo ổn định, bền vững, an toàn dịch bệnh thì đòi hỏi các cơ quan chức năng cũng như người dân trồng sắn phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra./. (Thanh Duy – Văn phòng HĐND-UBND thị xã)

contract-(4).png Thông tin bản quyền

- Cơ quan: UBND thị xã Ayun Pa - tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Số 63 Nguyễn Huệ - Đoàn Kết - thị xã Ayun Pa - Gia Lai
- Điện thoại: (0269) 3 852700 - Fax: (0269)3852700
- Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm: Ông: Đoàn Thanh Phong - Chánh Văn phòng HĐND- UBND thị xã
- Giấy phép: Số 04/GP-TTĐT ngày 15/6/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông.
tinnhiemmang-(2).png

pie-chart.png Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng lượt truy cập: 29
Số người on-line: 1

customer-service.png Hỗ trợ kỹ thuật

 
Sdt:(0269) 38522700
Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
   Copyright © 2017