CHUYÊN MỤC

Người quản trang tận tâm

26/07/2013
Giữa bộn bề cuộc sống, ở một nơi nào đó không xa có những con người đang lặng lẽ, âm thầm làm một việc mà không mấy ai biết tới-nghề quản trang. Dẫu không nói ra nhưng ai cũng hiểu đó là một cách tri ân, báo đáp với công lao của những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Anh Lê Ô Y Nam, cán bộ quản trang-Nghĩa trang Liệt sỹ thị xã Ayun Pa là người tâm huyết, trách nhiệm với công việc chăm sóc mộ liệt sỹ...
Anh Lê Ô Y Nam, sinh năm 1977, dân tộc H'Roai, sinh ra, lớn lên và gắn bó với mảnh đất Ayun Pa anh hùng, cha anh - người cựu chiến binh đã hiến dâng tuổi trẻ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, anh may mắn được sinh ra trong thời bình, nhưng anh cũng có thời gian hơn 10 năm tham gia dân quân tại địa phương với nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho quê hương Ayun Pa thân yêu.

QuantragLS.png

Tuổi thơ anh gắn liền với khuôn viên Nghĩa trang Liệt sỹ, từ thủa nhỏ anh đã cắt cỏ hay bắt chuồn chuồn và chạy xung quanh phần mộ liệt sĩ. Như một định mệnh, và trách nhiệm đối với những người đã khuất, năm 2009 anh xin vào làm công tác quản trang của thị xã. Tuy thời gian chưa lâu song người dân sống quanh khu Nghĩa trang Liệt sĩ đã quen với hình ảnh của anh, tỉ mỉ chăm sóc từng phần mộ của các liệt sĩ. Trong số họ, có người là đồng đội của cha anh, cũng có người mà cha anh chưa hề quen biết, nhưng tự sâu thẳm trong lòng, anh đều xem họ như những người đồng chí, đồng đội thân thương của cha mình.
 
Trong điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, một vợ và hai con nhỏ với đồng lương hợp đồng ít ỏi, anh vẫn vui vẻ và miệt mài với công việc nhổ cỏ, quét lá, trồng hoa và thắp hương cho liệt sĩ, cho những người đã khuất. Một mình anh chăm sóc khu nghĩa trang. Những ngôi mộ có thân nhân ở xa đều được anh thắp hương vào những ngày lễ, tết. Anh tâm sự: “Là thế hệ con cháu, mình muốn đóng góp một phần công sức cho đất nước nói chung và thị xã Ayun Pa nói riêng, chính vì thế mà mình đã nộp đơn xin vào đây để làm công việc này. Mình rất tự hào khi được đến đây mỗi ngày, để chăm chút cho Nghĩa trang sạch đẹp; những công việc như cắt cỏ, tỉa kiểng, tưới cây, lo cho từng ngôi mộ của các chú, các bác không chỉ là trách nhiệm mà còn mang lại niềm vui cho mình. Mình không có gì cho các anh ngoài tấm lòng của mình, tận tâm chăm sóc các cô, chú đã hy sinh như chăm sóc chính những người thân trong gia đình”. 
Sau bốn năm có bàn tay chăm sóc của người quản trang tận tụy, toàn bộ cây cối trong khuôn viên xanh tươi; các liệt sĩ nằm đó, người có danh, người chưa xác định được tên, nhưng tất cả đều không cô đơn, bởi hằng ngày, vẫn có những người thầm lặng đến từng khu mộ nhặt từng chiếc lá khô, cây cỏ vừa mọc khỏi mặt đất cũng đã có bàn tay anh dọn sạch. “Người quản trang vốn là một dân quân, đã tận tụy làm việc không quản ngại ngày đêm, bằng cả tâm huyết, trách nhiệm với liệt sĩ của mình đang yên nghỉ tại đây, trong việc canh giữ bảo vệ phần mộ, bảo vệ tài sản vô giá”. 
 
Hôm đó ngày 27/7/2012, tôi lên cùng anh Nam chuẩn bị một số công việc tại Nghĩa trang và nhìn thấy một số gia đình thân nhân liệt sĩ đến viếng (gia đình ngoài tỉnh) họ tấm tắc khen nghĩa trang sạch sẽ, đẹp và nhang khói thường xuyên, nhìn trên những khuôn mặt của họ rất hài lòng, trong lúc đó họ đến bên anh Nam và rút ra một phong bì tặng cho anh nhưng tôi thấy anh từ chối và bảo: " cháu có làm được gì đâu mà được các cô, chú bác khen tặng thế này, hơn nữa đây là trách nhiệm của cháu. Những phần mộ này đều là đồng đội của cha cháu, do đó cháu xác định vừa là trách nhiệm của thế hệ trẻ vừa là chính như người thân của cháu nên cháu phải có trách nhiệm, chớ cháu có công gì đâu" anh nở nụ cười rất tươi và lặng lẽ đi làm công việc của mình.
 
Còn một câu chuyện nữa anh không kể cho ai cả, tôi biết được qua lời kể lại của vợ anh. Hôm đó, vào chiều thứ bảy ngày 30/3/2013 cuối tuần, tôi đến xem mấy con gà chọi mà tôi khen (hai anh em có sở thích này), không còn con nào, kể cả chuồng gà nuôi thịt. Vợ anh kể: Lúc đó gần 4 giờ sáng, cơn mưa đầu mùa đột ngột ập đến, mưa lớn lắm, cộng thêm gió nữa, thấy anh bật dậy, cứ nghĩ anh ra che chắn cho chuồng gà và đưa nó vào nên mẹ con yên tâm ngủ không để ý, sáng ra anh về, mẹ con dậy hỏi gà có sao không anh, lúc này anh Nam mới à một tiếng, ba chân bốn cẳng chạy ra chuồng gà thì bị ngập nước hết. Té ra lúc anh Nam dậy đó, vác cuốc chạy ra ngoài Nghĩa trang khơi thông các lỗ cống thoát nước, che chắn không để nước tạt vào, anh âm thầm một mình với công việc cho đến sáng  mới xong.
 
Từ hai câu chuyện trên, để lại cho tôi ấn tượng rất sâu sắc về anh Nam, một người chân thật, tận tâm vì công việc, không tính toán âm thầm làm tròn trách nhiệm của mình. Không những thế thân nhân của các liệt sĩ thường xuyên đến thăm, và họ cũng cảm thấy vui hơn khi nhìn thấy ngôi mộ của người thân mình được sạch sẽ, tươm tất. 
Công việc quản trang thầm lặng cứ tưởng là đơn giản nhưng cũng nhiều lần khiến anh phải trăn trở. Rằng phải làm sao để Nghĩa trang Liệt sĩ ngày càng đẹp hơn, sạch hơn để ấm lòng các liệt sĩ.


Qua hai lần tôn tạo, mở rộng nâng cấp, nay Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã đã ổn định về diện tích, kết cấu hạ tầng, cảnh quan... tạo điều kiện thuận lợi cho thân nhân liệt sĩ khi đến viếng; trong đó có một phần công lao đóng góp của anh. Có thể nói, công việc thầm lặng của những người quản trang đã góp phần xây đắp thêm cho đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Dù các chiến sĩ đã nằm xuống trong lòng đất, nhưng trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam, các anh luôn tồn tại và mãi tạc ghi vào hồn thiêng sông núi, vĩnh hằng cùng thời gian. Các anh có một thời hào hùng cho chúng ta những ngày hạnh phúc, ấm no. Nén hương của người quản trang thắp trên mộ liệt sĩ sẽ sưởi ấm lòng các anh, thể hiện lòng biết ơn sâu nặng đối với những người cha, người mẹ, người anh, người chị đã hy sinh cuộc đời để chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay. Và quả thật việc làm ý nghĩa của anh Lê Ô Y Nam vừa làm ấm lòng người nằm xuống để bảo vệ quê hương, vừa làm cho thân nhân liệt sĩ đến thăm cũng cảm thấy an ủi, vui lòng.
 
Người quản trang tận tụy trong công việc, đã biết thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Thể hiện lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc của những người còn sống đối với những người đã hy sinh cuộc đời và tuổi thanh xuân của mình cho dân tộc. 
 
Và chúng ta, tuy mỗi người có một công việc, một nhiệm vụ khác nhau nhưng bằng những việc làm cụ thể, hãy đóng góp một phần nhỏ bé của mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu, xứng đáng với sự hi sinh của các anh hùng, liệt sỹ.Chia tay anh, nhưng hình ảnh của anh khiến tôi nhớ mãi; giữa bao bon chen ngày thường, nghe những câu chuyện về một quản trang như anh, dường như ta thấy tin yêu hơn với cuộc đời này.

Tôi chợt nhớ đến câu thơ của cố nhạc sĩ Tân Huyền:
Xin chớ vô tình 
Với người hi sinh
Trên mảnh đất quê mình./. (Trung Kiên)
 

contract-(4).png Thông tin bản quyền

- Cơ quan: UBND thị xã Ayun Pa - tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Số 63 Nguyễn Huệ - Đoàn Kết - thị xã Ayun Pa - Gia Lai
- Điện thoại: (0269) 3 852700 - Fax: (0269)3852700
- Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm: Ông: Đoàn Thanh Phong - Chánh Văn phòng HĐND- UBND thị xã
- Giấy phép: Số 04/GP-TTĐT ngày 15/6/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông.
tinnhiemmang-(2).png

pie-chart.png Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng lượt truy cập: 22
Số người on-line: 1

customer-service.png Hỗ trợ kỹ thuật

 
Sdt:(0269) 38522700
Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
   Copyright © 2017