CHUYÊN MỤC

Cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám và thành lập chính quyền cách mạng ở huyện Cheo Reo vào ngày 02 tháng 9 năm 1945 là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử xây dựng và phát triển quê hương của nhân dân huyện Cheo Reo (nay là thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai)

31/08/2012

Ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào đấu tranh chống Pháp – Nhật phát triển. Các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh được thành lập ở nhiều địa phương trong nước. Sự phát triển của phong trào cách mạng đó đã tác động đến phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân huyện Cheo Reo – tỉnh Gia Lai (nay là thị xã Ayun Pa).


Tuy lúc bây giờ chưa có tổ chức Đảng và tổ chức Mặt trận Việt Minh lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, nhưng nhân dân huyện Cheo Reo với tinh thần yêu nước và có sự tác động mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong nước do Đảng lãnh đạo đã đứng lên đấu tranh chống lại Đế quốc, Phát xít rất sôi nổi.

Cùng với sự ra đời của Đoàn Thanh niên ở PleiKu, An Khê, tại Cheo Reo, tháng 6 năm 1945, Đoàn Thanh niên Cheo Reo ra đời (tự phát – không thuộc hệ thống tổ chức Việt Minh), tập hợp những học sinh người dân tộc thiểu số và người kinh ở xã Hảo Đức, những viên chức tiến bộ, trong đó có thầy Nay Phin, Rcom Briu, Ksor Thei, Siu Deo, Rcom But, Siu Sing… do thầy Rcom Briu phụ trách. Trong Ban lãnh đạo có một số thanh niên người kinh như: anh Thuận, anh Ký… Đoàn thanh niên Cheo Reo được chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm do một thành viên trong Ban lãnh đạo phụ trách.
 
Khoảng một tháng sau khi Đoàn Thanh niên Cheo Reo thành lập, một số học sinh đang học ở các trường tại Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột về Cheo Reo như: Rmah Bar, Rmah Nal, Rcom But, Siu Ken, Siu Năng và được bổ sung vào lãnh đạo các nhóm. Ngoài ra ở vùng người kinh tại xã Hảo Đức – Trung tâm huyện lỵ Cheo Reo có anh Thanh, anh Ký, anh Thuận trực tiếp phụ trách.
 
Các hoạt động của Đoàn Thanh niên Cheo Reo tập trung vào việc tập hợp thanh niên học chữ quốc ngữ, tập những bài hát ca ngợi lòng yêu nước, tuyên truyền đoàn kết Kinh – Thượng, đấu tranh chống lại các thủ đoạn của chánh tổng (tay sai của Pháp – Nhật) đàn áp quần chúng, chống xâu thuế, kiên quyết không đi lính…
 
Bằng các hình thức hoạt động thích hợp, Đoàn Thanh niên Cheo Reo trở thành trung tâm đoàn kết, tập hợp các lực lượng thanh niên yêu nước do tầng lớp thanh niên trí thức lúc bấy giờ lãnh đạo chỉ mũi nhọn đấu tranh vào bọn đế quốc, phát xít và tay sai. Hoạt động và uy tín của Đoàn Thanh niên Cheo Reo không chỉ ỏ trung tâm huyện lỵ mà phát triển đến các vùng lân cận. Bọn lính bảo an ở đồn Cheo Reo cũng khiếp sợ Đoàn Thanh niên Cheo Reo.
Trong bối cảnh ấy, chương trình cứu nước và các hoạt động của Việt Minh đến với nhân dân huyện Cheo Reo thông qua một số thanh niên trí thức, những người con của Cheo Reo đang học tại các trường ở Huế, Việt Bắc, Quy Nhơn… trở về. Đặc biệt là Rcom Thép, học sinh trường Nông Lâm Súc, Tuyên Quang về nói chuyện với Thanh niên Cheo Reo về tình hình thanh niên Việt Bắc theo Việt Minh… những thông tin về cao trào chống Nhật ở các nơi đã tác động mạnh mẽ đến những người yêu nước, những người trực tiếp lãnh đạo phong trào thanh niên ở Cheo Reo. Việc tiếp thu chương trình hành động cách mạng của Việt Minh là một sự kiện quan trọng, mở ra bước ngoặc quyết định đối với phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc huyện Cheo Reo.
 
Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh. Thời cơ ngàn năm có một cho dân tộc đã đến. Đảng ta quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Mệnh lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng được toàn thể dân tộc hưởng ứng. Khí thế khởi nghĩa trong toàn quốc đã tác động mạnh đến Gia Lai, nơi tiếp nhận đầu tiên là An Khê, cửa ngõ phía Đông Gia Lai.
 
Sau khi nhận được tin khởi nghĩa ở An Khê, Pleiku thắng lợi. Vào 22 giờ ngày 25/8/1945 Đoàn Thanh niên Cheo Reo do đồng chí RCom BRiu lãnh đạo, tổ chức khởi nghĩa thắng lợi.
 
Ngày 2/9/1945 lực lượng khởi nghĩa do Đoàn Thanh niên Cheo Reo làm nòng cốt tổ chức Mít tinh và ra mắt Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Cheo Reo. Ông Trần Ngọc Vĩ, Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai về dự và thay mặt cho chính quyền cách mạng của tỉnh công nhận chính quyền cách mạng huyện Cheo Reo.
 
Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Cheo Reo gồm có:
Nay Đer: cố vấn.
Nay Phin: chủ tịch.
Rcom Rok: phó chủ tịch.
Rcom BRiu, Siu Deo, Siu Sing, Rcom Thép, Ksor Ní …: ủy viên.
Cũng như trong cả nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Cheo Reo trong cách mạng tháng 8/1945 và thành lập chính quyền cách mạng vào ngày 02/9/1945 là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử hàng ngàn năm xây dựng và phát triển quê hương của nhân dân huyện Cheo Reo.
Cuộc vận động cách mạng tháng 8/1945 và thành lập chính quyền cách mạng vào ngày 02/9/1945 ở huyện Cheo Reo, ngoài những đặc điểm chung của tỉnh Gia Lai, còn có một số đặc điểm riêng: 
 
Một là, quá trình chuẩn bị và tiến hành cuộc khởi nghĩa ở địa phương chưa có tổ chức Việt Minh, chưa có tổ chức Đảng, nhưng do sức mạnh của truyền thống yêu nước của nhân dân huyện Cheo Reo, nòng cốt là Đoàn Thanh niên Cheo Reo đã tổ chức và lãnh đạo khởi nghĩa cùng thời điểm với các địa phương trong cả nước. Ở tỉnh Gia Lai, huyện Cheo Reo là địa phương thứ ba trong tỉnh Gia Lai giành thắng lợi trong cách mạng tháng 8/1945.
 
Hai là, sự đoàn kết dân tộc đã tạo nên sức mạnh uy hiếp kẻ thù và nhanh chóng giành chính quyền, xây dựng chính quyền cách mạng.
 
Ba là, bộ phận lãnh đạo là những thanh niên trí thức yêu nước người dân tộc JaRai lúc bấy giờ là chủ yếu đã có phương pháp hoạt động, đấu tranh linh hoạt, biết chủ động tập hợp lực lượng, tổ chức khởi nghĩa khi thời cơ đến, nhờ vậy mà giành chính quyền nhanh chóng và thắng lợi.
 
Phát huy truyền thống cách mạng tháng 8/1945 và 67 năm thành lập chính quyền cách mạng của huyện Cheo Reo - nay là thị xã Ayun Pa (2/9/1945-2/9/2012), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Ayun Pa ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2012, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thị xã Ayun Pa, Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng./. (Trần Đình Lê - UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Ayun Pa)
 

contract-(4).png Thông tin bản quyền

- Cơ quan: UBND thị xã Ayun Pa - tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Số 63 Nguyễn Huệ - Đoàn Kết - thị xã Ayun Pa - Gia Lai
- Điện thoại: (0269) 3 852700 - Fax: (0269)3852700
- Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm: Ông: Đoàn Thanh Phong - Chánh Văn phòng HĐND- UBND thị xã
- Giấy phép: Số 04/GP-TTĐT ngày 15/6/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông.
tinnhiemmang-(2).png

pie-chart.png Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng lượt truy cập: 15
Số người on-line: 1

customer-service.png Hỗ trợ kỹ thuật

 
Sdt:(0269) 38522700
Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
   Copyright © 2017