CHUYÊN MỤC

MỘT SỐ KẾT QUẢ TỪ VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI 09 TỔ DÂN PHỐ CỦA THỊ XÃ AYUN PA

15/02/2022
Thị xã Ayun Pa gồm 08 đơn vị hành chính (04 phường và 04 xã). Với sự đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của doanh nghiệp và đặc biệt là sự vào cuộc của người dân nên việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 04 xã của thị xã Ayun Pa đã mang lại những kết quả đáng phấn khởi. Đến nay thị xã Ayun Pa đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại các phường gặp rất nhiều khó khăn vì cũng như tại các xã, đồng bào dân tộc thiểu số ở các phường sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp (chiếm 80%) nhưng lại thiếu đất sản xuất, dẫn đến thiếu việc làm, thu nhập thấp. Diện tích đất nội thị nhỏ hẹp nên nhiều hộ thiếu đất ở. Đời sống người dân khó khăn, nhà ở tạm bợ, thiếu các công trình vệ sinh, thiếu hệ thống nước sạch, môi trường bị ô nhiễm... Tỉ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số hộ nghèo của các phường.
Từ thực tế đó, thị xã Ayun Pa đã xây dựng Đề án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số của 09 tổ dân phố thuộc 04 phường (05 bôn thuộc 04 phường) của thị xã Ayun Pa, giai đoạn 2018 – 2022 (gọi tắt là Đề án). Mục tiêu của Đề án là phát triển kinh tế - xã hội đối với người đồng bào dân tộc thiểu số trong đô thị theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa người đồng bào dân tộc thiểu số trong đô thị với các nhóm dân cư khác; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tạo sự chuyển biến căn bản về phát triển kinh tế - xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ tập quán lạc hậu. Tổng mức đầu tư của Đề án là 28,456 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, xã hội hóa và vay ngân hàng.
Nội dung thứ nhất của Đề án tập trung vào vấn đề đầu tư phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân với các giải pháp về chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi. Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số thường sử dụng các giống lúa cũ, không tuân thủ nghiêm lịch thời vụ gieo trồng gây khó khăn trong việc cung cấp nước tưới, phát sinh sâu bệnh gây hại nhiều hơn làm cho người nông dân phải tốn kém nhiều chi phí bảo vệ thực vật. Thực hiện Đề án, thị xã đã hỗ trợ giống lúa thuần chủng, phân bón và thuốc trừ sâu để thực hiện mô hình cánh đồng lúa một giống. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không sản xuất vụ thứ 3 để hạn chế sâu bệnh. Đối với những diện tích trồng lúa không hiệu quả, thị xã đã thực hiện mô hình hỗ trợ đầu tư và hướng dẫn người nông dân chuyển đổi sang trồng rau an toàn. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất.
Để hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất, thị xã chủ trương hỗ trợ bà con chuyển đổi nghề sang chăn nuôi bò cái sinh sản. Đặc biệt, thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, hệ thống chính trị các phường đã vận động bà con chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp sang làm dịch vụ, tham gia các tổ bốc vác, tổ xây dựng, câu lạc bộ “Dịch vụ nhà sạch”… Từ đó đã tạo việc làm thường xuyên và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên.
Nội dung thứ hai là vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong các bôn đồng bào dân tộc thiểu số tại các phường còn một số đoạn đường đất lầy lội, ngập úng vào mùa mưa khiến cho giao thông đi lại rất khó khăn. Hệ thống đường giao thông nội đồng cũng xuống cấp trầm trọng. Đề án đã khảo sát toàn bộ các tuyến đường cần nâng cấp, lập quy hoạch, dự toán. Chính quyền vận động người dân đóng góp ngày công, hiến đất, tháo dỡ hàng rào, mở rộng các tuyến đường. Trên cơ sở đó từng bước nâng cấp, bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thoát nước dọc và đường giao thông nội đồng giúp cho việc đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn.
Trên các cánh đồng, một số tuyến kênh mương đã bị xuống cấp, hư hỏng hoặc đang là mương đất dẫn đến tình trạng rò rỉ thất thoát nước dọc kênh khá lớn, khu vực đồng ruộng nằm cuối kênh thường bị thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thị xã đã đầu tư sửa chữa hoặc xây dựng mới một số tuyến kênh mương bằng bê tông xi măng để phục vụ cho việc tưới tiêu, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp.

Nội dung thứ ba liên quan đến việc nâng cao đời sống tinh thần cho dân tộc dân tộc thiểu số trong các tổ dân phố thuộc 04 phường của thị xã Ayun Pa, đó là đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao – thông tin. Nhận thấy sự cấp thiết của việc đầu tư xây dựng các nhà sinh hoạt cộng đồng cho các tổ dân phố để người dân không phải họp nhờ dưới gầm nhà sàn. Thị xã đã rà soát, cải tạo một số phòng học cũ và vận động người dân đóng góp để đầu tư xây dựng mới 05 nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhờ có nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng mà hệ thống chính trị các tổ dân phố có cơ sở vật chất đảm bảo, phục vụ tốt hơn cho việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, nâng cao đời sống gia đình cũng như góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
Nội dung thứ tư trong Đề án là hỗ trợ xây dựng nhà ở; lắp đặt đồng hồ nước sinh hoạt và xây nhà vệ sinh cho các hộ đồng bào dân tộc dân tộc thiểu số nghèo. Bằng rất nhiều nguồn lực như từ Qũy “Vì người nghèo”, nhân dân đóng góp, doanh nghiệp hỗ trợ và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm… đến nay chỉ còn 56 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong 09 tổ dân phố thiếu nhà ở (chủ yếu do hộ dân không có đất ở nên thị xã chưa thể hỗ trợ làm nhà); 100% số hộ được sử dụng nước sạch; 22 hộ thiếu nhà vệ sinh; số hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025) giảm xuống còn 72 hộ, chiếm tỷ lệ 4,91%.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của người dân, sau gần 4 năm thực hiện, Đề án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số của 09 tổ dân phố thuộc 04 phường trên địa bàn thị xã Ayun Pa, giai đoạn 2018 – 2022 đã thực sự góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc; giữ vững ổn định an ninh chính trị. Từ đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; xây dựng thị xã Ayun Pa ngày càng giàu đẹp./. Thực hiện: (Đoàn Thị Thủy)

 

contract-(4).png Thông tin bản quyền

- Cơ quan: UBND thị xã Ayun Pa - tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Số 63 Nguyễn Huệ - Đoàn Kết - thị xã Ayun Pa - Gia Lai
- Điện thoại: (0269) 3 852700 - Fax: (0269)3852700
- Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm: Ông: Đoàn Thanh Phong - Chánh Văn phòng HĐND- UBND thị xã
- Giấy phép: Số 04/GP-TTĐT ngày 15/6/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông.
tinnhiemmang-(2).png

pie-chart.png Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng lượt truy cập: 45
Số người on-line: 1

customer-service.png Hỗ trợ kỹ thuật

 
Sdt:(0269) 38522700
Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
   Copyright © 2017