CHUYÊN MỤC

Khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi Trùn quế tại thị xã Ayun Pa

28/03/2017
Mô hình nuôi trùn quế đem đến rất nhiều lợi ích cho người nông dân trong trồng trọt và chăn nuôi, tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai mô hình này vẫn chưa được biết đến nhiều. Trăn trở lập thân lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình, cô đoàn viên Nguyễn Thị Cẩm Tú, sinh năm 1989 trú tại tổ 6, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa đã bước đầu thử nghiệm thành công mô hình nuôi trùn quế và đạt được những thành quả tích cực.
Tốt nghiệp loại khá ngành công nghệ sinh học tại trường Đại học Quy Nhơn, sau khi ra trường, cũng như bao bạn trẻ khác, Tú mong muốn có được một công việc với mức lương ổn định trên mảnh đất quê hương mình. Tuy nhiên, công việc làm hợp đồng cho một cơ quan không đúng chuyên môn, làm việc lâu nhưng không có tương lai, phần nào khiến Tú trăn trở để tìm hướng đi mới cho bản thân. Sau khi tìm hiểu qua sách báo, các trang mạng, Tú quyết định thử nghiệm mô hình nuôi trùn quế trên mảnh đất của gia đình.
 
TNnuoiga2017.jpg

Bạn Nguyễn Thị Cẩm Tú – trú tại tổ 6, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa cho biết: thông qua nghiên cứu trên mạng, cũng như là xem các chương trình “sinh ra từ làng” trên VTV6 của Đài THVN, tôi nhận thấy mô hình nuôi trùn quế này còn khá mới mẻ đối với tỉnh Gia Lai nói chung, thị xã Ayun Pa nói riêng, đồng thời khá phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như thói quen sinh hoạt, đời sống lao động sản xuất của người nông dân đa số là chăn nuôi các loại gia súc gia cầm như là heo, bò, dê và trồng các loại cây hoa màu, vì vậy nên tôi mới quyết định đưa mô hình này về thử nghiệm. Nếu thật sự hiệu quả thì tôi muốn nhân rộng ra và muốn bà con nông dân biết nhiều hơn về mô hình này. 
 
Khởi nghiệp với ít vốn bản thân tích góp, lúc đầu Tú chỉ nuôi trùn quế với 4m2 đất, giờ đây mô hình này đã được nhân rộng hơn 50m2 và còn được Hội đồng KH&CN thị xã công nhận, trình Sở KH&CN tỉnh xét duyệt đưa vào kế hoạch với tổng kinh phí thực hiện dự kiến: 150 triệu đồng (trong đó: vốn KH&CN tỉnh hỗ trợ: 100 triệu; vốn dân đối ứng: 50 triệu đồng). Trùn quế được làm thức ăn trong chăn nuôi, và phân bón trong trồng trọt, ngoài ra mô hình nuôi trùn quế còn là giải pháp tốt nhất xử lý chất thải từ chăn nuôi thải ra tràn lan ngoài môi trường làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân tại địa phương. Nguồn giống được Tú nhập về từ tỉnh Phú Yên, thức ăn hàng ngày là phân bò tươi trộn nước tưới lên bề mặt trùn. Phân trùn quế 6 tháng sẽ lấy 1 lần với giá 3000đ/kg, trùn thịt sẽ thu hoạch sau 1 tháng nuôi. Quá trình nuôi trùn quế đơn giản nếu được hướng dẫn đúng cách mỗi hộ dân đều sẽ thực hiện được.
Chị Đặng Trần Bảo Châu – Bí thư đoàn thanh niên phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa cho biết: Vấn đề thanh niên lập thân lập nghiệp luôn được các cấp bộ đoàn thị xã Ayun Pa khuyến khích thực hiện. Mô hình nuôi trùn quế của đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Tú là một mô hình hay và phù hợp với điều kiện tại địa phương. Đây là một cách làm kinh tế giỏi mà thanh niên thị xã cần noi theo và phát huy.
Trăn trở cách nuôi, khi đã thành công thì vấn đề đầu ra lại gặp khó khăn lớn, hiện lợi ích từ trùn quế chưa được biết đến nhiều tại thị xã, các mối mua chỉ nhỏ lẻ, vì vậy mô hình này chưa thể nhân rộng thêm. Đây là lý do Tú nuôi thêm gà, trồng thêm rau sạch tại vườn. Hiện đàn gà của tú đã lên đến 700 con, trung bình 5 tháng xuất 2 lứa cho các thương lái tại thị xã và trong thời gian tới còn được nhân rộng thêm với quy mô hơn 1000 con.
Bạn Nguyễn Thị Cẩm Tú – trú tại tổ 6, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa tâm sự: Do mô hình nuôi trùn quế còn khá mới mẻ ở thị xã Ayun Pa nên tôi đã tận dụng các sản phẩm của trùn quế để nuôi thêm gà và trồng thêm rau, để lấy ngắn nuôi dài trong thời gian phát triển mô hình này, cũng như là giúp cho bà con biết tới tác dụng của con trùn này đối với quá trình lao động sản xuất của bà con tại địa phương.
 
Còn lắm những khó khăn phía trước, nhưng được làm điều mình thích và đam mê là động lực to lớn thôi thúc cô gái trẻ không ngại khó, ngại khổ này. Trong ngôi nhà dựng tạm tại trang trại, Tú luôn vui vẻ, lạc quan và vững tin với sự lựa chọn của bản thân. Cách làm của Tú vừa đem lại lợi ích cho địa phương, cho bản thân và còn là tấm gương thanh niên lập thân lập nghiệp mà các cấp bộ đoàn tại thị xã Ayun Pa đang khuyến khích thực hiện./. (Bích Hương)

contract-(4).png Thông tin bản quyền

- Cơ quan: UBND thị xã Ayun Pa - tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Số 63 Nguyễn Huệ - Đoàn Kết - thị xã Ayun Pa - Gia Lai
- Điện thoại: (0269) 3 852700 - Fax: (0269)3852700
- Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm: Ông: Đoàn Thanh Phong - Chánh Văn phòng HĐND- UBND thị xã
- Giấy phép: Số 04/GP-TTĐT ngày 15/6/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông.
tinnhiemmang-(2).png

pie-chart.png Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 0
Tổng lượt truy cập: 139
Số người on-line: 1

customer-service.png Hỗ trợ kỹ thuật

 
Sdt:(0269) 38522700
Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
   Copyright © 2017