CHUYÊN MỤC

Giữ gìn bản sắc văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên tại xã Ia Rbol – Thị xã Ayun Pa

27/04/2015
Từ bao đời nay, cồng chiêng hiện diện khắp nơi, từ đồng bằng, trung du cho đến miền núi; từ Bắc bộ, Trung bộ, Đông Nam bộ và nhiều nhất là ở Tây Nguyên. Thế nhưng thực trạng cồng chiêng được giữ gìn và diễn tấu ngày một mai một dần, chính vì vậy tại xã Ia Rbol- thị xã Ayun Pa, người dân địa phương cũng như chính quyền xã đang nỗ lực để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng. 
Vào một ngày nắng tháng 4, chúng tôi đến thăm nhà của chị Siu H Nem tại bôn Rưng Ama Nin, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa. Đây là một trong những gia đình hiếm hoi còn lưu trữ đầy đủ bộ chiêng cổ của người Ja Rai trên địa bàn xã Ia Rbol. Bộ chiêng cổ của gia đình chị là những chiếc chiêng quý, tiếng ngân nga vang vọng cả núi rừng tây nguyên, cả bộ có 13 chiếc, đánh từng người một. Những dịp lễ lớn của người dân trong Bôn hay khi thị xã cử đi biểu diễn, giao lưu tại tỉnh nhà và các tỉnh bạn, gia đình chị Siu H’ Nem lại vui vẻ đem bộ chiêng đi diễn tấu để thể hiện nét đẹp văn hóa của người Ja Rai mình.
Chị Siu H’ Nem tâm sự về bộ chiêng cổ của gia đình: Từ hồi tôi sinh ra bộ chiêng đã có rồi, chiêng bố mẹ để lại là duy nhất nên không bán. 
Còn nhớ chỉ cách đây vài chục năm về trước, dân làng tại xã Ia Rbol còn lưu trữ khá nhiều bộ chiêng cổ, nhưng hiện tại chỉ còn 01 bộ, còn lại là chiêng đã được cải tiến. 
Ông Rmah Phép – nghệ nhân chỉnh chiêng cho biết: Trước đây tại bôn Rưng Ama Nin xã Ia Rbol cả làng có 2 bộ chiêng cổ, một bộ đã bị người ta ăn cắp mất, chỉ còn một bộ này là duy nhất cho nên chúng tôi phải vận động bà con, vận động chủ nhà, đặc biệt là 02 vợ chồng này phải duy trì và giữ gìn nó chứ đừng để mất.
Tình trạng số lượng chiêng bị hao hụt, mất mát hay thất lạc là tình trạng chung của người dân tộc Ja Rai cả nước nói chung và người Ja Rai tại xã Ia Rbol nói riêng. Xảy ra vấn đề này có nhiều nguyên do mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc bảo tồn văn hóa truyền thống của mọi  người chưa cao.
ông Ksor Tuân – Chủ tịch MTTQVN xã Ia Rbol, cho biết: bộ chiêng bị thất lạc, do gia đình không bảo quản được, con cháu buôn bán hết. Chiêng không tốt người ta không sử dụng nên cải tiến lại, giá trị chiêng cổ dựa vào màu sắc, giá trị cao hơn so với những bộ chiêng khác. Thế hệ trẻ cải tiến làm hư hỏng bán thành nhôm nhựa, không được bảo tồn như bây giờ.
Hiện trên địa bàn xã Ia Rbol có 7 Bôn, mỗi Bôn có từ 01 đến 02 bộ chiêng cải tiến, đã thành lập được 7 đội cồng chiêng giúp dân làng diễn tấu vào những dịp lễ hội, từ lễ Thổi tai của đứa bé vừa chào đời, lễ hội Bỏ mả (Pơthi) đưa linh hồn người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng, cho đến các lễ hội vui chơi của người Ja Rai. Trong các lễ hội, bên ché rượu cần, giàn cồng chiêng tấu lên những bản nhạc độc đáo là phương tiện duy nhất để con người giao hòa với trời đất, với các đấng thần linh gần gũi với  người Ja Rai.
 
Thời gian gần đây tại buôn làng xã Ia Rbol - thị xã Ayun Pa lại ít vang lên tiếng cồng, tiếng chiêng của người đồng bào Ja Rai. Trăn trở rằng nét đẹp và  bản sắc văn hóa của người Ja Rai sẽ mai một dần, tập thể giáo viên trường THCS Đinh Tiên Hoàng, xã Ia Rbol đã thành lập một Đội cồng chiêng học sinh của trường THCS Đinh Tiên Hoàng.
Ngoài trường THCS Đinh Tiên Hoàng còn có trường Dân tộc nội trú của thị xã cũng duy trì hoạt động của các đội cồng chiêng học sinh. Chính hoạt động này của các nhà trường với sự chung sức của chính quyền địa phương đã góp chút công sức giữ gìn bản sắc văn hóa của người đồng bào Ja Rai và để chắc rằng, cồng chiêng sẽ mãi mãi tồn tại và không có gì có thể thay thế cồng chiêng bằng bất cứ một nhạc cụ nào khác.

lehoicongchiengtaynguyen.jpg
 
Âm vang cồng chiêng lúc rộn ràng, lúc trầm lắng ngân nga vang vọng núi rừng. Cồng chiêng là ngôn ngữ âm nhạc, một loại hình văn hóa nghệ thuật đậm đà bản sắc dân gian. Tiếng cồng, tiếng chiêng gắn bó với cả đời người, là niềm kiêu hãnh về sự giàu có và sức mạnh của một buôn làng. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới. Chính vì vậy mỗi người chúng ta, là người dân sống trên mảnh đất Tây Nguyên này, nên ý thức được giá trị vô giá của cồng chiêng, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn và ý thức phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.(Bích Hương) 

contract-(4).png Thông tin bản quyền

- Cơ quan: UBND thị xã Ayun Pa - tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Số 63 Nguyễn Huệ - Đoàn Kết - thị xã Ayun Pa - Gia Lai
- Điện thoại: (0269) 3 852700 - Fax: (0269)3852700
- Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm: Ông: Đoàn Thanh Phong - Chánh Văn phòng HĐND- UBND thị xã
- Giấy phép: Số 04/GP-TTĐT ngày 15/6/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông.
tinnhiemmang-(2).png

pie-chart.png Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 0
Năm hiện tại: 1
Tổng lượt truy cập: 112
Số người on-line: 1

customer-service.png Hỗ trợ kỹ thuật

 
Sdt:(0269) 38522700
Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
   Copyright © 2017