CHUYÊN MỤC

Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa

29/03/2017
Đã từng có thời điểm nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Jrai trên địa bàn thị xã Ayun Pa phát triển rất mạnh, hầu như gia đình nào cũng có người biết dệt thổ cẩm. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, ở xã Ia Rbol một trong nhưng địa phương có nghề dệt thổ cẩm lâu đời hiện tại chỉ còn chưa đến 20 hộ vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm. Trước thực trạng đó, thị xã Ayun Pa cũng như chính quyền xã Ia Rbol đang nổ lực để duy trì và phát triển nghề dệt của truyền thống tại đây.
hinh-bao-tonDetthocam2017.jpg

Vào những ngày nông nhàn, khi vụ mùa đã kết thúc cũng là lúc các chị em ở Bôn Rưng Ma Rai, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa ngồi vào khung dệt để dệt thổ cẩm. Đến vào những ngày này, du khách dễ lầm tưởng về một làng nghề phát triển, tuy nhiên số hộ biết dệt thổ cẩm ở đây chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Đó là lúc nông nhàn, còn dệt thổ cẩm thường xuyên chỉ còn mỗi gia đình bà Rcom H’ Kon là còn làm, nói là gia đình nhưng chỉ có bà và con gái đầu là thường xuyên dệt thổ cẩm. Bà Rcom H’ Kon năm nay đã 92 tuổi, người phụ nữ dệt thổ cẩm lớn tuổi nhất của bôn Rưng Ma Rai cho biết; Bà không nhớ bà biết dệt khi nào, nhưng đã mấy chục năm nay công việc hàng ngày của bà là ngồi bên khung cửi để dệt thổ cẩm. Và cũng theo bà để dệt được một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh phải mất hơn 1 tuần đến nửa tháng, tùy vào họa tiết trên tấm thổ cẩm được dệt. Khung dệt hết sức đơn giản, được làm bằng cây và ống tre, chính vì vậy tấm thổ cẩm đẹp hay xấu phụ thuộc hoàn toàn vào sự khéo léo cũng như kỹ thuật của người dệt. Công phu là vậy, nhưng mỗi tấm thổ cẩm sau khi hoàn thiện chỉ bán được với giá từ 600 đến 800 nghìn đồng. Vì giá thành thấp, mất nhiều thời gian để hoàn thành một tấm thổ cẩm, đó là chưa kể đầu ra sản phẩm không mấy dễ dàng, nên những cô gái đến tuổi đôi mươi, (cái tuổi mà trước đây mọi người con gái nào của làng khi trưởng thành đều phải biết dệt thổ cẩm) không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.
Chị Rcham Nuên, Bôn Rưng Ma Rai, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa một trong những người cháu của bà Rcom H’ Kon cho biết “Bà có chỉ cho tôi, nhưng tôi chỉ biết một ít thôi, với lại người mua thổ cẩm ngày càng ít, giá thì rẻ, nên tôi phải kiếm việc khác để làm. Chỉ có mỗi bà biết dệt thôi.” Trong 5 người con gái của bà chỉ có chị Rcom H’ Ju là theo nghề. Chị hay làm các sản phẩm như tấm chăn, thảm vải, các bộ trang phục phục vụ trong các lễ hội… Tuy nhiên, không như  trước đây, sản phẩm làm đến đâu tiêu thụ hết tới đó, giờ chỉ ai đặt chị mới làm. Chị cho biết “Dệt vải phải kỳ công lắm, vừa phải kiên trì, chăm chỉ vừa đòi hỏi sự khéo léo nên không phải ai cũng làm được. Ngày xưa, người con gái nào đến tuổi bắt chồng mà chưa biết dệt vải thì bị người ta chê cười, chứ bây giờ không ai quan tâm đến việc ấy nữa. Mỗi tháng, nếu chỉ tập trung ngồi vào khung cửi thì tôi có thể dệt được 6-7 cái váy, áo, túi xách và khố. Mỗi thứ cũng bán được khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, nhưng đó là có khách đặt, chứ nếu không có người đặt thì tôi cũng không dệt để làm gì cả ”.
Cùng với tiến trình đô thị hóa nông thôn đang diễn ra nhanh chóng, một số phong tục tập quán của đồng bào cũng đang bị mai một theo, không những nghề dệt thổ cẩm ngay cả các nghề truyền thống khác như đan lát cũng đang bị mai một dần. Trước tình hình đó, UBND thị xã Ayun Pa xác định để vực dậy các ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, thì vấn đề bảo tồn các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc cần phải duy trì và phát triển, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng đã được tổ chức Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vì vậy việc duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được thị xã quan tâm duy trì và phát huy, như đầu tư mở các lớp đào tạo cồng chiêng, mời các nghệ nhân chỉnh chiêng về trực tiếp giảng dạy, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tính đến thời điểm hiện tại một số trường trên địa bàn thị xã đã có các câu lạc bộ cồng chiêng được đầu tư bài bản và thường xuyên sinh hoạt định kỳ như trường THCS Đinh Tiên Hoàng, trường THPT Nội trú thị xã Ayun Pa …Riêng đối với nghề dệt thổ cẩm, thị xã Ayun Pa cũng như xã Ia Rbol cũng đã có những kế hoạch để bảo tồn và phát triển nghề dệt của đồng bào các dân tộc Jrai, trong tương lai gần sẽ phát triển một làng nghề dệt tại xã Ia Rbol, gắn phát triển làng nghề với bảo tồn ngành nghề truyền thống và du lịch làng nghề, tập trung nâng cao tay nghề cho bà con dân tộc thiểu số , tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí, tìm kiếm thị trường, đầu ra thông qua các hội chợ, lễ hội du lịch để quảng bá…

Về vấn đề này bà Phạm Thị Vân –Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa cho biết thêm “Trong những năm qua, những ngành nghề truyền thống trên địa bàn, bà con cũng phát huy, tuy nhiên chưa được duy trì thường xuyên, bởi có nhiều vấn đề đặt ra, thứ nhất là thiếu vốn, thứ 2 là đầu ra cho sản phẩm. Do đó, rất mong muốn trong thời gian tới, các cấp quan tâm để xã thành lập làng nghề truyền thống để tạo công ăn việc làm cho bà con nhân nhân trên địa bàn xã, cũng như duy trì được ngành nghề truyền thống. Khi đã có thương hiệu làng nghề thì sản phẩm đầu ra sẽ tiêu thụ tốt hơn”. Hy vọng với những nổ lực của các cấp chính quyền và sự quyết tâm gìn giữ lấy nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Jrai trên địa bàn xã Ia Rbol, nghề dệt thổ cẩm sẽ được bảo tồn và phát triển trong thời gian tới./. (Nguyễn Sang)

contract-(4).png Thông tin bản quyền

- Cơ quan: UBND thị xã Ayun Pa - tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Số 63 Nguyễn Huệ - Đoàn Kết - thị xã Ayun Pa - Gia Lai
- Điện thoại: (0269) 3 852700 - Fax: (0269)3852700
- Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm: Ông: Đoàn Thanh Phong - Chánh Văn phòng HĐND- UBND thị xã
- Giấy phép: Số 04/GP-TTĐT ngày 15/6/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông.
tinnhiemmang-(2).png

pie-chart.png Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 1
Tháng hiện tại: 4
Năm hiện tại: 4
Tổng lượt truy cập: 55
Số người on-line: 1

customer-service.png Hỗ trợ kỹ thuật

 
Sdt:(0269) 38522700
Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
   Copyright © 2017