CHUYÊN MỤC

ĐẢNG BỘ THỊ XÃ AYUN PA 70 NĂM - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

20/07/2018
Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 10/8/1948 Tỉnh ủy Đăk Lăk quyết định thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban cán sự huyện Cheo Reo gồm 3 đồng chí: Ksor Ní, Rcom Thép, Rơ com Buk, do đồng chí Ksor Ní làm Bí thư Ban cán sự. Đây là sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị - xã hội của nhân dân các dân tộc huyện Cheo Reo (nay là thị xã Ayun Pa). Là mốc son lịch sử đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Cheo Reo. Từ đây, Đảng bộ thị xã Ayun Pa trở thành một bộ phận máu thịt của Đảng Cộng sản Việt Nam, gắn liền với lịch sử cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Trong 70 năm qua Đảng bộ Ayun Pa đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong thị xã phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng, quật cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách trong các giai đoạn cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, giành được kết quả đáng trân trọng và tự hào trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng trong cả chặng đường dài của lịch sử. Trước hết, phải kể đến vai trò lãnh đạo của Đảng, tất cả các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Ayun Pa đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển kinh tế -xã hội, từng bước phấn đấu trở thành vùng động lực kinh tế trọng điểm phía đông nam của tỉnh. 
 
70namdangbothixa.jpg

Nhìn lại quá khứ hào hùng của mảnh đất Ayun Pa giàu truyền thống, chúng ta rất đổi tự hào về Đảng bộ và các dân tộc Ayun Pa trong lịch sử hình thành và phát triển. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta và đặc ách thống trị hà khắc tàn bạo, chúng ra sức khai thác thuộc địa với quy mô lớn, vơ vét tài nguyên và bóc lột nặng nề trên đất nước Việt Nam nói chung và mảnh đất Tây Nguyên nói riêng. Đặc biệt ở vùng đất Tây Nguyên, thực dân Pháp tăng cường sự kìm kẹp để củng cố, duy trì nền thống trị lâu dài và thi hành chính sách kinh tế đặc biệt đối với vùng đất này. Thực dân Pháp với chính sách “khai hóa văn minh” nhưng thực chất chúng đã âm mưu đẩy người dân Tây Nguyên vào bần cùng tăm tối. Chính sách của thực dân Pháp đã kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng đất Tây Nguyên nói chung và Ayun Pa nói riêng, đẩy người dân lâm vào cảnh khốn cùng, nhân dân bị mất đất sản xuất, bị bóc lột cùng kiệt sức lao động, bị bắt đi phu, đi lính. Cuộc sống tự do bao đời nay của người dân Ayun Pa bị xâm phạm, người dân bị khinh miệt, bị chà đạp, mâu thuẫn giữa nhân dân các dân tộc Ayun Pa với thực dân Pháp ngày càng gay gắt. Chính sách cai trị của thực dân Pháp đã tác động và hình thành nên các tầng lớp trong xã hội Ayun Pa, khát vọng đấu tranh đánh đuổi bọn thực dân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước, giành quyền tự do độc lập cho dân tộc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho buôn làng càng trở nên bức thiết đối với nhân dân các dân tộc Ayun Pa. Chế độ cai trị và chính sách bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp đã dấy lên ngọn lửa đấu tranh trong mỗi người dân Ayun Pa. Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh, tinh thần thượng võ, xây dựng các dân tộc trong huyện đã liên tiếp nổi dậy đấu tranh, từ đấu tranh tự phát đến đấu tranh tự giác, từ một làng đến nhiều làng, nhiều vùng trên mảnh đất Cheo Reo-Ayun Pa. Nhưng do những năm đầu thế kỷ XX trong bối cảnh cách mạng Việt Nam đang khủng hoảng về đường lối cứu nước nên các cuộc đấu tranh đều bị thực dân Pháp đàn áp và bị thất bại. 
Năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối lao động cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu bức thiết của phong trào cả nước lúc bấy giờ. Sự ra đời của Đảng và phong trào cách mạng trong cả nước, đã mở ra bước ngoặt lịch sử cho Đảng bộ và nhân dân Ayun Pa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Ayun Pa, chuyển từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh vì mục tiêu giải phóng dân tộc, đồng bào Ayun Pa đoàn kết, tập trung dưới ngọn cờ của Đảng, đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước. Ở Gia Lai - Ayun Pa là địa phương thứ 3 trong tỉnh giành thắng lợi trong cách mạng tháng 8/1945, cũng như trong cả nước, cách mạng tháng 8/1945 thành công, là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ quê hương của nhân dân Ayun Pa. 
 
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 10/8/1947 chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên chính thức thành lập tại Cheo Reo (gọi là chi bộ tham chính gồm 03 đồng chí: Ksor Ní, Rcom Thép, Rcom Buk. Do đồng chí Ksor Ní làm Bí thư. 
 
Tháng 8/1948 đại diện chính phủ Trung ương tại miền Nam Trung Bộ ra Nghị định số 203/CP sát nhập huyện Cheo Reo vào tỉnh Đăk Lăk. Ngày 10/8/1948 Tỉnh ủy Đăk Lăk chỉ định Ban cán sự huyện Cheo Reo gồm 3 đồng chí: Ksor Ní, Ngô Thành, Rcom Thép, do đồng chí Ksor Ní làm Bí thư Ban cán sự. Đây là sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị - xã hội của nhân dân các dân tộc huyện Cheo Reo. Là mốc son lịch sử đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Cheo Reo. Từ đây, phong trào cách mạng của huyện chính thức có một bộ máy do Đảng lãnh đạo, đưa phong trào cách mạng của huyện hoà vào dòng thác cách mạng chung của tỉnh và cả nước. Với ý nghĩa đó, Đảng bộ Ayun Pa lấy 10/8 hàng năm là ngày thành lập Đảng bộ thị xã Ayun Pa.
Ngay sau khi thành lập (1948), Đảng bộ Cheo Reo đẩy mạnh công tác phát triển Đảng ở cơ sở. Đến giữa năm 1949, Đảng bộ Cheo Reo đã xây dựng được 3 chi bộ với 70 đảng viên hoạt động trong các cơ quan huyện, đội công tác, lực lượng dân quân, du kích và trong các xã. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở địa bàn huyện nhìn chung phát triển theo hướng chỉ đạo chung của Đảng, Chính phủ, của Liên khu 5 và Đảng bộ chính quyền địa phương. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ Cheo Reo đã thực hiện tốt vai trò vừa là hậu phương, vừa là chiến trường tại chỗ, vừa kháng chiến vừa tăng gia sản xuất xây dựng cuộc sống mới, xây dựng quê hương theo đường lối, chủ trương “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” của Đảng và Chính phủ. Đồng bào các dân tộc Ayun Pa đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Từ 1954-1975 suốt 21 năm chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Ayun Pa, bao gồm vùng H3, H37 tỉnh Đăk Lăk và Nam khu 6, khu 7, sau là khu 11 tỉnh Gia Lai đã kiên cường không ngại khó khăn, hy sinh, bám dân, bám làng củng cố lực lượng cách mạng, phát triển phong trào cách mạng, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đơn phương”, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ ngụy, góp phần cùng Tây Nguyên và cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, cùng cả nước đi lên xây dựng CNXH.
Ngày 19/3/1975 tỉnh Phú Bổn được hoàn toàn giải phóng, vào tháng 1/1976 huyện Ayun Pa được thành lập trên cơ sở huyện Cheo Reo (gồm H2 + H37) của tỉnh Đăk Lăk và huyện 11 của tỉnh Gia Lai. Bước ra từ khói lửa chiến tranh, chuyển sang giai đoạn cách mạng mới, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Đảng bộ Ayun Pa xác định nhiệm vụ trọng tâm cấp bách lúc bấy giờ là tập trung chỉ đạo tổ chức định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, khai hoang phục hóa và làm thủy lợi, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Sau hơn một năm giải phóng với nổ lực vượt bậc của Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc, từ một địa bàn bị chiến tranh tàn phá, kinh tế kiệt quệ, hơn 1/3 dân bị đói phải cứu trợ, huyện Ayun Pa đã trở lại nhịp sống hòa bình, kinh tế-xã hội ổn định, trật tự an ninh đảm bảo, chính quyền cơ sở được củng cố. Đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như đồng bào kinh đều được hưởng chính sách tự do, bình đẳng, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe, mở mang giáo dục, tạo điều kiện cho mọi công dân vươn lên trong xã hội, làm chủ cuộc sống. 
Đại hội Đảng bộ huyện Ayun Pa lần VI được tổ chức hai vòng, vòng một từ ngày 23 đến 29/10/1976 và vòng 2 từ ngày 9 đến 15/6/1977. Sau Đại hội, Đảng bộ huyện Ayun Pa đã tích cực tổ chức các phong trào thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ VI với tinh thần cách mạng tiến công, dám nghĩ, dám làm, đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, uốn nắn những tư tưởng lệch lạc trong nội bộ Đảng và quần chúng. Qua 02 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng bộ huyện, tuy đạt sự chuyển biến toàn diện về chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, nhưng năm 1979 Ayun Pa phải đối đầu với khó khăn, thử thách trong khôi phục kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Thiên tai, bão lụt, hạn hán, chiến tranh biên giới, những vướng mắc của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp và yếu kém ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế-xã hội của huyện. Nhưng với sự đoàn kết, nhất trí cao, Đảng bộ Ayun Pa đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vấn đề lương thực được giải quyết, không còn nạn đói xảy ra, đời sống nhân dân các dân tộc được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần, niềm tin vào Đảng và chế độ được nâng lên. 
Ngày 23/4/1979 theo Quyết định 178/QĐ-CP của Hội đồng Chính Phủ nước Cộng hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ayun Pa tách thành 02 huyện Ayun Pa và Krông Pa (thuộc vùng H2 Đông Cheo Reo cũ) cho phù hợp với tình hình xây dựng và phát triển trong thời kỳ mới. Sau khi chia tách, Đảng bộ huyện Ayun Pa tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ VII từ ngày 14 đến ngày 17/5/1979.
Bước vào những năm đầu thập kỷ 1980, tình hình kinh tế-xã hội của huyện gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam, rồi bão lụt, hạn hán làm cho nền kinh tế sa sút, cơ chế tập trung kế hoạch hóa mang tính bao cấp gây trở ngại trong việc phát huy tiềm năng và sức sáng tạo của người lao động. Trước tình hình đó, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân tiếp tục đẩy mạnh phong trào khai hoang đồng ruộng, phát triển sản xuất. Mở rộng mạng lưới lưu thông, phân phối phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, tiếp tục công tác cải tạo nông nghiệp định canh, định cư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nông nghiệp, chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa – xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiều chỉ tiêu kế hoạch đạt và vượt so với 1980.
Từ ngày 10 đến ngày 15/11/1982 Đảng bộ huyện Ayun Pa tiến hành Đại hội lần thứ VIII. Sau Đại hội Đảng bộ đã lãnh đạo quân dân các dân tộc trong huyện xác định mặt trận hàng đầu là sản xuất nông nghiệp, tập trung vào cây lương thực, thực phẩm và hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất, dần dần ổn định, cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Đến năm 1985 áp dụng chính sách giá lương tiền theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa V), xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thực hiện chế độ hạch toán kinh tế, kinh doanh XHCN, xóa bỏ chế độ cung cấp lương thực hàng hóa theo tem phiếu, thực hiện 01 giá kinh doanh, áp dụng chế độ lương mới, điều chỉnh mặt bằng giá vật tư, hàng hóa, tổ chức đổi tiền…tình hình kinh tế-xã hội, đời sống cán bộ, nhân dân trong huyện gặp nhiều khó khăn, đã đặt ra cho Đảng bộ huyện Ayun Pa yêu cầu cấp bách mới là cần phải có chủ trương phù hợp, ổn định tình hình, củng cố niềm tin của nhân dân trong huyện vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN.
Để chuẩn bị bước đi vững chắc cho giai đoạn cách mạng mới, phát huy những thành tựu đạt được của 10 năm xây dựng phát triển sau giải phóng. Từ ngày 8 đến ngày 12/9/1986 Đại hội lần thứ IX Đảng bộ huyện Ayun Pa được tổ chức. Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác khả năng tiềm năng của địa phương, sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư của Trung ương, của tỉnh để phát triển mạnh lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng, củng cố quan hệ sản xuất XHCN. Tập trung chỉ đạo 3 chương trình kinh tế lớn về lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu mà Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VI) của Đảng đề ra. Đồng thời đẩy mạnh 4 cuộc vận động: Tổ chức lại sản xuất kinh doanh; định canh, định cư; xây dựng cuộc sống mới; tăng cường an ninh quốc phòng; xây dựng Đảng, đoàn thể chính quyền, trong sạch vững mạnh.
Qua những năm sau đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Ayun Pa, kinh tế-xã hội có những bước chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được nâng lên. Để đánh giá những thành tựu kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của huyện trong những năm sau đổi mới, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho thời gian đến, năm 1989 Đảng bộ huyện Ayun Pa tiến hành Đại hội lần thứ X. Sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện 3 chương trình mục tiêu: Sản xuất lương thực và thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu và thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 1986-1990.
Năm 1991 Đảng bộ huyện Ayun Pa tiến hành Đại hội lần thứ XI. Sau Đại hội Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, phát triển nông nghiệp toàn diện, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong tình hình mới. Đến năm 1996 Đảng bộ huyện Ayun Pa tiến hành Đại hội lần thứ XII. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XII trong tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực tác động nền kinh tế cả nước. Ayun Pa gặp nhiều khó khăn, hạn hán, lũ lụt liên tiếp xảy ra, giá các mặt hàng nông sản không ổn định, dịch bệnh gia súc xảy ra trên diện rộng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của huyện. Song Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ayun Pa đã có những chủ trương, quyết sách phù hợp, tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là công trình thủy lợi và xây dựng, mở rộng đồng ruộng, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất đã thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển khá.
Phát huy thành quả đạt được trên các lĩnh vực, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Ayun Pa lần thứ XIII tiến hành năm 2000. Sau Đại hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân trong huyện nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ do Đại hội đề ra. Kinh tế phát triển khá, công tác định canh, định cư chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng được đầu tư, sự nghiệp văn hóa xã hội đã có những chuyển biến mới cả về quy mô và chất lượng, đời sống nhân dân được nâng lên.
Ngày 18/12/2002 thực hiện Nghị quyết số 104/NĐ-CP của Chính phủ, huyện Ayun Pa chia tách thành 2 huyện, huyện Ayun Pa và huyện Ia Pa. Trong giai đoạn này, từ năm 2000, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp. Các thế lực phản động trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo tăng cường các hoạt động chống phá công cuộc đổi mới, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Được sự chỉ đạo của tỉnh, Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời nên tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, lòng tin của quần chúng nhân dân được củng cố, kinh tế - xã hội phát triển khá.  
Để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; kiểm điểm thực hiện các Nghị quyết Huyện ủy lâm thời sau gần 2 năm chia tách huyện, từ ngày 29/9 đến ngày 1/10/2003 Đảng bộ Ayun Pa tiến hành Đại hội lần thứ XIV. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của huyện tiếp tục chuyển biến tích cực, những chỉ tiêu cơ bản do Nghị quyết Đại hội đề ra đều đạt và vượt, đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện đáng kể.
  Năm 2005 Đảng bộ huyện Ayun Pa tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XV. Sau Đại hội, Đảng bộ đã tập trung duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, tìm kiếm, tranh thủ và huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội tạo tiền đề vững chắc để nâng huyện Ayun Pa lên đô thị loại IV, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả cao theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ - công nghiệp – xây dựng, củng cố quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, nâng cao chất lượng hoạt động trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Ngày 30/3/2007 thực hiện Nghị định số 50/2007/NĐ-CP của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Ayun Pa, thành lập thị xã Ayun Pa và huyện Phú Thiện và Quyết định số 390-QĐ/TU, ngày 16/4/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thành lập Đảng bộ thị xã Ayun Pa. Năm 2007 Đảng bộ thị xã Ayun Pa tiến hành Đại hội lần thứ XVI. Triển khai thực hiện Nghị quyết lần thứ XVI trong tình hình trên địa bàn thị xã còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, chịu sự tác động do suy thoái của nền kinh tế và giá cả nông sản không ổn định, cộng với thiên tai, lũ lụt gây ra và là một thị xã mới được chia tách, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội chưa được đầu tư nhiều, nhưng Đảng bộ và nhân dân thị xã Ayun Pa đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: Kinh tế tiếp tục phát triển khá, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và thương mại - dịch vụ; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh được giữ vững; kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội được đầu tư khá,các loại hình dịch vụ tiếp tục phát triển; sự nghiệp văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân tiếp tục được nâng lên.
Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Ayun Pa lần thứ XVII tiến hành từ ngày 09/8 đến ngày 11/8/2010. Đại hội đã đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, các mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, 10/15 tiêu chí đạt và vượt, kinh tế phát triển khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ tăng qua từng năm. Diện mạo đô thị, nông thôn ngày một khang trang hơn; sự nghiệp văn hóa – xã hội phát triển cả về quy mô và chất lượng; hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở được củng cố, kiện toàn.  
Kế thừa và phát huy truyền thống của Đảng bộ, đưa thị xã Ayun Pa tiếp tục phát triển vững chắc trong thời gian tới, Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, gắn bó mật thiết với nhân dân; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Huy động mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của thị xã để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng, thương mại - dịch vụ. Huy động tổng hợp các nguồn lực hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; xây dựng thị xã Ayun Pa phát triển toàn diện, trở thành vùng động lực phía Đông Nam của tỉnh.
Có thể nói, do yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, qua nhiều lần chia tách, sát nhập; Đảng bộ huyện Cheo Reo trước đây và Đảng bộ thị xã Ayun Pa hôm nay đã tổ chức 18 lần Đại hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, thị xã Ayun Pa đã có bước phát triển toàn diện. Kinh tế - xã hội phát triển, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, bộ mặt thị xã có nhiều khởi sắc…Cùng với những thành tựu lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội; công tác xây dựng Đảng cũng đạt được những kết quả rất quan trọng. Từ 3 đảng viên của Ban Cán sự Đảng huyện Cheo Reo thành lập ngày 10/8/1948 đến nay Đảng bộ thị xã Ayun Pa có 1.725 với 44 tổ chức cơ sở đảng (tính đến  tháng 4/2018). Toàn Đảng bộ tích cực thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ , nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng. 
Đạt được những thành tích trên là vì Đảng bộ thị xã Ayun Pa có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Tỉnh uỷ, HĐND - UBND tỉnh; sự ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành tỉnh. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung - dân chủ; vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh, của Trung ương vào điều kiện thực tế của địa phương, đề ra được các Nghị quyết sát, đúng; xác định được các lĩnh vực trọng tâm, lợi thế để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, có sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân trên địa bàn thị xã; đại bộ phận cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng trước diễn biến tình hình thế giới và khu vực; đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt năng động, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở thường xuyên được chăm lo, xây dựng, củng cố, kiện toàn. 
Với bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, thị xã Ayun Pa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thị xã Ayun Pa đang trở thành là vùng kinh tế động lực phía đông nam của tỉnh, vùng trọng điểm lúa, mía đường của tỉnh. Trong tương lai không xa, thị xã Ayun Pa sẽ được phát triển thành trung tâm thương mại, đô thị loại 4 và là một trong những cụm công nghiệp lớn của tỉnh.
70 năm một chặng đường lịch sự, vượt qua bao gian lao, thử thách, hi sinh, nhân dân các dân tộc Ayun Pa đã phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết, anh dũng, kiên cường đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược để giải phóng quê hương, đất nước, giành độc lập tự do và tiến lên xây dựng CNXH. Truyền thống vẻ vang đó mãi mãi là niềm tự hào, là tài sản vô giá của Đảng bộ và nhân dân thị xã Ayun Pa mà thế hệ trẻ của thị xã hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ, tôn vinh và tiếp tục phát huy trong công cuộc đổi mới quê hương, đất nước. Đảng bộ và nhân dân thị xã Ayun Pa nguyện đoàn kết một lòng, năng động, sáng tạo, phấn đấu hết sức mình, quyết tâm xây dựng thị xã Ayun Pa ngày càng đổi mới và phát triển, nhân dân các dân tộc trên địa bàn ngày càng ấm no, hạnh phúc./.
                                                                       Nguyễn Thị Hằng
                                                           CV Ban Tuyên giáo Thị ủy Ayun Pa

contract-(4).png Thông tin bản quyền

- Cơ quan: UBND thị xã Ayun Pa - tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Số 63 Nguyễn Huệ - Đoàn Kết - thị xã Ayun Pa - Gia Lai
- Điện thoại: (0269) 3 852700 - Fax: (0269)3852700
- Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm: Ông: Đoàn Thanh Phong - Chánh Văn phòng HĐND- UBND thị xã
- Giấy phép: Số 04/GP-TTĐT ngày 15/6/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông.
tinnhiemmang-(2).png

pie-chart.png Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 1
Năm hiện tại: 3
Tổng lượt truy cập: 165
Số người on-line: 1

customer-service.png Hỗ trợ kỹ thuật

 
Sdt:(0269) 38522700
Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
   Copyright © 2017