CHUYÊN MỤC

Chiến thắng đường 7 – Sông Bờ, giải phóng Cheo Reo – Phú Bổn (nay là thị xã Ayun Pa) trong chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân năm 1975

21/03/2013

Hiệp định Pari ngày 27/01/1973 đánh dấu sự thay đổi lớn về so sánh lực lượng và cục diện chiến tranh, tạo ra khả năng hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở Miền Nam. Tuy nhiên Đế quốc Mỹ không cam chịu thất bại, 


vẫn ngoan cố bám lấy khu vực Đông Dương và Đông Nam Á, bám lấy “Học thuyết NichXơn” và chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiếp tục thực hiện âm mưu dùng ngụy quyền làm công cụ, đặt toàn bộ Miền Nam Việt Nam dưới ách thống trị thực dân kiểu mới, chia cắt lâu dài đất nước ta.

Sau khi hiệp định Pari được ký kết, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: Bất kể trong tình huống nào con đường giành thắng lợi của cách mạng Miền Nam cũng là con đường bạo lực, do đó phải nắm vững chiến lược tấn công.
Đến cuối năm 1973, thời cơ đã chín mùi tạo điều kiện cho việc giải phóng hoàn toàn Miền Nam. Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 xem xét tình hình và khẳng định: Chưa bao giờ có thời cơ chiến lược thuận lợi như lúc này để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở Miền Nam. Hội nghị quyết định: Động viên tổng lực để giải phóng Miền Nam trong 02 năm 1975 – 1976, đồng thời nhấn mạnh: Phải chuẩn bị mọi mặt để khi có thời cơ lịch sử thì tập trung lực lượng cả nước giải phóng Miền Nam trong năm 1975.

Sau khi đánh giá và nhận định tình hình địch, Hội nghị nhất trí thông qua phương án của Bộ Tổng Tham mưu chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng chiến trường chủ yếu trong cuộc tấn công lớn và rộng khắp năm 1975. Nhiệm vụ của hướng tấn công này là: Trận mở đầu đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, chiếm địa bàn chiến lược Tây Nguyên, mở hành lang để nối Miền Nam Tây Nguyên với Miền Đông Nam bộ, tạo điều kiện để bộ đội chủ lực cơ động nhanh về Miền Đông, tiếp theo chọc thẳng một mũi xuống Tuy Hòa, Phú Yên, cắt đồng bằng khu V ra làm đôi tạo thêm một hướng nữa tiến theo đường số 1 tiến nhanh về hướng Nam, phối hợp với quân chủ lực của Bộ Tư lệnh quân giải phóng Miền Nam vây ép và tấn công Sài Gòn.  

Trong lúc ta đang khẩn trương hoàn thành mọi công việc chuẩn bị, thì ngày 11/2/1975, Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, trong thông điệp đầu năm lại gào thét, đốc thúc bọn tay sai, các cấp phải ra sức thực hiện 03 nỗ lực chính: Hỗ trợ tối đa cho tiền tuyến; ổn định tối đa hậu phương; tích cực tăng gia sản xuất nhằm cải thiện thế phòng ngự, giữ chặt vùng kiểm soát.
Tận dụng thời cơ địch bung ra càn quét, ta chủ động sử dụng một bộ phận kìm chân địch dài ngày nhằm làm suy yếu thêm lực lượng cơ động của địch, đồng thời uy hiếp các tuyến phòng thủ ở Kon Tum, Pleiku, Quảng Đà để cho các hướng chiến dịch triển khai lực lượng.
 
Chiến dịch Tây Nguyên

Chiến dịch Tây Nguyên được mang mật danh “Chiến dịch 275” - Tại Mặt trận Tây Nguyên lúc này, đồng chí Thiếu tướng Vũ Lăng – Tư lệnh Mặt trận – cùng một số cán bộ đến Buôn Ma Thuột nghiên cứu tình hình. Do ý nghĩa của chiến dịch Tây Nguyên – Chiến dịch mở đầu của cuộc tiến công chiến lược. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cử đồng chí Văn Tiến Dũng - Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó Bí thư thứ nhất Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh vào tổ chức sở chỉ huy tiền phương để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.

Sau khi tổ chức hoàn chỉnh cơ quan chiến dịch, ngày 17/02/1975, Bộ tư lệnh Chiến dịch do đồng chí Hoàng Minh Thảo làm tư lệnh và đồng chí Đặng Vũ Hiệp làm chính ủy tổ chức hội nghị mở rộng để xác định quyết tâm, phương án tác chiến và các trận đánh then chốt, quyết định của chiến dịch.
 
Triệt để khai thác những điểm yếu và sơ hở của địch, ta chủ trương: Tập trung lực lượng chủ yếu của chiến dịch tiêu diệt địch, đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, phát triển tiến công Cheo Reo (Phú Bổn), Gia Nghĩa (Quảng Đức), giải phóng 3 tỉnh Tây Nguyên, chiếm lĩnh địa bàn chiến lược trọng yếu, tạo điều kiện và thời cơ tiến công các hướng khác theo yêu cầu chiến lược.
Đòn điểm trúng huyệt – Đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột
 
Sau khi thực hiện kế hoạch nghi binh, lừa địch thành công. Từ đêm 02/3/1975 đến ngày 09/3/1975, ta tiến hành thực hiện đòn tấn công chia cắt và tiêu diệt một số cứ điểm có ý nghĩa chiến lược.
 
Đến 01h55 ngày 10/3/1975, các lực lượng của ta nổ súng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột đến 11 giờ ngày 10/3/1975, ngọn cờ chiến thắng của ta đã phất phới bay trên nóc hầm chỉ huy sư đoàn 23 của địch.
 
Ngày 12/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu lệnh trực tiếp cho Phạm Văn Phú – Tư lệnh Quân khu II, Quân đoàn II ngụy phải giữ cho được các vị trí còn lại xung quanh Buôn Ma Thuột để làm bàn đạp phản kích, nhưng toàn bộ kế hoạch của địch đã bị phá sản, cuộc phản kích của địch đã bị ta đập tan.
 
Đánh chiếm Buôn Ma Thuột, đập tan cuộc phản kích, tiêu diệt lực lượng chủ yếu của địch, thế trận chiến lược của chúng ở Tây Nguyên bị lung lay tận gốc. Nguy cơ sụp đổ không thể nào cứu vãn nỗi với toàn bộ chế độ thực dân mới của Đế quốc Mỹ ở Miền Nam Việt Nam đã xuất hiện.

Truy kích quân địch tháo chạy trên đường số 7
 
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, cuộc tiến công chiến lược của ta đã diễn ra trên khắp chiến trường Miền Nam. Bị tấn công ở tất cả các hướng, bọn cầm đầu Mỹ - ngụy không thể điều quân từ chiến trường này đi ứng cứu cho chiến trường khác được, đặc biệt nguy ngập là tình thế của chúng ở Quân khu II.
 
Trước tình thế đó, ngày 14/3/1975, bọn đầu sỏ ngụy quân, ngụy quyền từ Sài Gòn kéo ra Cam Ranh gặp Phạm Văn Phú – Tư lệnh Quân khu II, Quân đoàn II ngụy để bàn kế hoạch đối phó. Trong cơn hoảng loạn, Nguyễn Văn Thiệu vội vã chủ trương: Rút hẹp phòng tuyến, bỏ vùng rừng núi, co quân về giữ vùng đồng bằng ven biển, các đô thị lớn, các đầu mối giao thông quan trọng, chờ thời cơ sẽ phản công chiếm lại Tây Nguyên.
Kế hoạch rút khỏi Tây Nguyên của chúng do đích thân Nguyễn Văn Thiệu điều khiển. Theo lệnh y, kế hoạch này phải tuyệt đối giữ bí mật, không được thông báo cho các tỉnh trưởng, ai biết thì rút, ai không biết thì thôi.
 
Lực lượng rút chạy của địch theo đường số 7 gồm: 6 liên đoàn biệt động, 01 lữ đoàn kỵ binh bay, 03 thiết đoàn, 06 tiểu đoàn pháo (có 01 tiểu đoàn pháo 175mm), 01 tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 44, tiểu đoàn 28 công binh thuộc liên đoàn 21, liên đoàn 20 công binh, liên đoàn 56 truyền tin, 02 tiểu đoàn bảo an, sư đoàn 6 không quân, cơ quan quân đoàn II và toàn bộ lực lượng của 02 tỉnh Pleiku, Kon Tum, tổng cộng khoảng 15 nghìn tên.

Về phía ta
 
Bộ tư lệnh chiến dịch đã dự kiến đến việc không cho địch tăng cường lên ứng cứu Tây Nguyên một cách dễ dàng, nhưng cuộc rút chạy của địch cũng không nằm ngoài dự kiến của ta.
 
Qua theo dõi tình hình địch trong 02 ngày 14 và 15/3/1975, Bộ Tổng tư lệnh, Sở chỉ huy tiền phương và Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã phát hiện dấu hiệu rút chạy của địch – Đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương, trong phạm vi chiến dịch, một quân đoàn địch được trang bị thiết bị, vũ khí hiện đại đã bỏ địa bàn chiến lược quan trọng rút chạy. Đòn điểm trúng huyệt Buôn Mê Thuột đã bắt đầu ngấm, dẫn địch phạm sai lầm về chiến lược.
 
Ta nhận định: Thời cơ đã đến. Muốn nắm chắc thời cơ, trước mắt phải tiêu diệt bằng được quân địch rút chạy. Phải diệt chúng ngay trên chiến trường Tây Nguyên. Phải diệt cho nhanh, cho gọn để thúc đẩy sớm quá trình chuyển biến cục diện chiến tranh.
 
22h30’ ngày 17/3/1975, Bộ chỉ huy chiến dịch chính thức thông báo địch tháo chạy khỏi Tây Nguyên và lệnh cho sư đoàn 320 khẩn trương truy kích, bao vây tiêu diệt địch trên đường số 7 mà trọng tâm là Cheo Reo – Phú Bổn, nơi địch tập trung lực lượng rút chạy là chủ yếu. Ngoài lực lượng từ Pleiku, Kon Tum chạy xuống, tại Cheo Reo – Phú Bổn lực lượng địch có: 03 tiểu đoàn bảo an, 06 đại đội lẻ, 02 đại đội cảnh sát dã chiến, 01 đại đội biệt kích, 01 chi đội thiết giáp, 01 pháo đội và lực lượng dân vệ…
 
Chấp hành lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, sư đoàn trưởng lệnh cho tiểu đoàn 9 cơ động ra chặn địch, cắt đường số 7 ở Nam Cheo Reo – Phú Bổn. Đến 05h30’, ngày 17/3/1975, đại đội 10, lực lượng đầu tiên của tiểu đoàn 9 đã ra đến mặt đường. Đến 11h30 cùng ngày, toàn bộ thế trận của tiểu đoàn đã được hình thành ở Nam Cheo Reo – Phú Bổn: Đại đội 9 chốt chặn ở Bôn Khăn, đại đội 10 khóa đuôi ở gần cầu Sông Bờ, Ban chỉ huy tiểu đoàn đóng ở phía Tây Bôn Khăn, đồng thời các đơn vị khác của sư 320 và các lực lượng khác của ta di chuyển áp sát Cheo Reo – Phú Bổn và tiến công tiêu diệt địch, chiến sự diễn ra ác liệt.
 
18h30’ ngày 18/3/1975, ta làm chủ sân bay; 21h30’ ta làm chủ trại Ngô Quyền, Tòa Hành chính, Ty Cảnh sát Phú Bổn; 24h00 ngày 18/3/1975, hầu hết các mục tiêu của tiểu khu Phú Bổn bị tiêu diệt.
 
Đến 12h00’ ngày 19/3/1975, các lực lượng của ta tiêu diệt toàn bộ 02 mũi rút chạy của địch và truy quét quân địch từ ngã ba Mỹ Thạch đến Đèo Tô Na và dọc theo đường 7. Cheo Reo – Phú Bổn hoàn toàn giải phóng.
 
Với ý nghĩa đó, Huyện Ayun Pa (nay là thị xã Ayun Pa) lấy ngày 19/3 hàng năm kỷ niệm ngày giải phóng thị xã và kỷ niệm chiến thắng đường 7 – Sông Bờ./.
(Trần Đình Lê: UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Ayun Pa)

contract-(4).png Thông tin bản quyền

- Cơ quan: UBND thị xã Ayun Pa - tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Số 63 Nguyễn Huệ - Đoàn Kết - thị xã Ayun Pa - Gia Lai
- Điện thoại: (0269) 3 852700 - Fax: (0269)3852700
- Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm: Ông: Đoàn Thanh Phong - Chánh Văn phòng HĐND- UBND thị xã
- Giấy phép: Số 04/GP-TTĐT ngày 15/6/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông.
tinnhiemmang-(2).png

pie-chart.png Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 1
Năm hiện tại: 4
Tổng lượt truy cập: 515
Số người on-line: 1

customer-service.png Hỗ trợ kỹ thuật

 
Sdt:(0269) 38522700
Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
   Copyright © 2017