CHUYÊN MỤC

Để công tác giám sát HĐND có hiệu lực, hiệu quả

05/09/2012

Như chúng ta đều biết, Giám sát là một trong hai chức năng quan trọng của HĐND; thông qua hoạt động giám sát, HĐND có thể kiểm chứng lại tính đúng đắn, sự phù hợp về các quy định của pháp luật đã, đang được áp dụng trong cuộc sống và những chủ trương biện pháp mà HĐND đã quyết nghị; giúp HĐND phát hiện ra những khó khăn, vướng mắc mà kịp thời có những giải pháp tháo gỡ, để thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động;


Thông tin kết quả thu được qua giám sát còn là cơ sở cho công tác thẩm tra của các ban, giúp đại biểu HĐND thảo luận và đi đến quyết định vấn đề một cách chính xác, đảm bảo các Nghị quyết ban hành có chiều sâu, sát thực tiễn, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của cử tri...
 
Song trong thực tế, hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động giám sát nói riêng trong thời gian qua tuy có chuyển biến tích cực, đạt một số kết quả nhất định nhưng thực tế vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập, chưa mang lại hiệu quả cao, thường bộc lộ một số hạn chế: 
 
Hiện nay nhà nước chưa ban hành một văn bản pháp luật cụ thể chuyên về hoạt động giám sát của HĐND, do đó hạn chế tính thống nhất trong hoạt động giám sát cũng như hiệu quả trong hoạt động giam sát.
 
Công tác giám sát chưa đều, chủ yếu do Thường trực và các Ban HĐND tiến hành; việc tham gia hoạt động giám sát của các đại biểu còn hạn chế, chủ yếu mới giám sát tại kỳ họp.        
    
Giám sát của HĐND đôi khi còn mang tính hình thức: nội dung giám sát có lúc chưa sâu, chưa tập trung vào các vấn đề mang tính bức xúc ở địa phương, những vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm. 
 
Kết luận của Đoàn giám sát đôi lúc chưa chỉ đúng căn nguyên, trọng tâm vấn đề hoặc kết luận giám sát đúng, sát với  thực tế, nhưng lại vướng cơ chế nên chậm được khắc phục … Cũng có trường hợp kết luận của đoàn giám sát chưa được coi trọng, sự tiếp thu, khắc phục còn hạn chế, nên có tình trạng “còi cứ thổi mà xe vẫn cứ chạy”. Ngoài ra, trong thực hiện giám sát vẫn còn có sự nể nang, né tránh, ngại va chạm… nên hiệu lực và hiệu quả giám sát của HĐND chưa cao.
 
Qua thực tế, có thể nhận thấy một số nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên, đó là: 
 
Do chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, chức năng, vai trò, trách nhiệm của HĐND và chưa quyết liệt của một bộ phận đại biểu; hơn nữa, cơ chế cho hoạt động giám sát chưa rõ ràng, làm cho một số đại biểu HĐND thiếu tự tin vào hoạt động
 
- Đa số đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm, không có thời gian dành cho hoạt động dân cử; ít được tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức và có phương pháp, kỹ năng giám sát. 
 
- Nhận thức của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị được giám sát chưa được đúng đắn, cá biệt còn cho rằng giám sát là tìm kiếm khuyết điểm, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan liên quan, từ đó phát sinh tâm tư không cởi mở, báo cáo không theo yêu cầu làm cho việc xem xét đánh giá thiếu cơ sở khách quan.    
 
- Theo quy định hiện nay, giám sát của HĐND chỉ có thể chỉ ra những khiếm khuyết, những sai phạm và đề nghị điều chỉnh, chấn chỉnh, hoặc yêu cầu làm rõ... mà không thể xử lý như thanh tra, kiểm tra. Mặt khác, sự hạn chế về năng lực, trình độ; kiến thức chuyên môn, pháp luật thiếu thông tin lẫn thời gian thỏa đáng dành cho hoạt động thực hiện nhiệm vụ đại biểu cũng là nguyên nhân làm giảm hiệu lực giám sát.
 
Từ những phân tích, đánh giá trên và qua hoạt động thực tiễn, để từng bước nâng cao chất lượng giám sát, chúng tôi xin trao đổi một số giải pháp cơ bản sau:
 
Thứ nhất: Cần phải nâng cao nhận thức về hoạt động giám sát của HĐND cho các cấp, các ngành và ngay chính các đại biểu HĐND; phải hiểu đúng và đầy đủ về mục đích, yêu cầu của hoạt động giám sát; từ đó có sự thống nhất về quan điểm đối với hoạt động này.
 
 - Phải khẳng định: Giám sát là hoạt động nhằm kiểm tra, kiểm soát, phân tích, đánh giá diễn biến tình hình thực tiển theo mục tiêu và kế hoạch đã định trước, có làm đúng những điều quy định không. Do đo, cần có sự nhận thức rõ hơn về chủ thể giám sát, đối tượng chịu sự giám sát, nội dung giám sát, các hình thức giám sát và thẩm quyền cũng như phạm vi cần giám sát một cách đầy đủ, đúng quy định; trong đó, cần nắm chắc nội dung giám sát, hình thức và phương pháp giám sát.
 
+ Đối với nội dung giám sát cần tập trung 2 việc chính đó là: giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND và giám sát việc tuân thủ pháp luật của các ngành, các cấp.
 
+ Đối với hình thức và phương pháp giám sát: ngoài việc giám sát của HĐND tại các kỳ họp thông qua các hoạt động xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trình tại kỳ họp; chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét văn bản quy phạm pháp luật…Còn thông qua các hoạt động giám sát cụ thể của Thường trực HĐND, của các Ban, các đại biểu HĐND theo phương thức giám sát chung hoặc giám sát chuyên đề.
 
Như vậy, giám sát của HĐND là giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước về những vấn đề liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương; theo dõi, xem xét, kiểm tra và đánh giá, nhận xét về hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan thực hiện đúng hay sai các quy định đã được ban hành; trên cơ sở đó có những kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ, hiệu quả hơn nữa là đưa ra được biện pháp khả thi.
 
Việc thực hiện quyền giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các đại biểu HĐND đảm bảo công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo qui định của pháp luật và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
 
Hiểu đúng và đầy đủ như vậy, thì hoạt động giám sát sẽ đi theo chiều hướng tích cực: việc tổ chức thực hiện giữa cơ quan giám sát và cơ quan được giám sát mới nghiêm túc và có trách nhiệm; sẽ nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ và đồng thuận cao của các cấp, các ngành và xã hội.
 
Thứ hai: Phải xây dựng chương trình, nội dung giám sát đúng trọng tâm, phù hợp và tổ chức tốt các cuộc giám sát cụ thể. Điều này đòi hỏi vai trò, trách nhiệm, kinh nghiệm, năng lực và bản lĩnh trong hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các đại biểu HĐND.
 
-Việc đầu tiên là phải xác định đúng vấn đề trọng tâm cần giám sát, sau đó xây dựng chương trình và kế hoạch giám sát phù hợp, cụ thể trên cơ sở chương trình giám sát hàng năm đã thông qua HĐND; khi có những vấn đề mới phát sinh trong thực tế, bức xúc, cần thiết thì việc tiến hành thực hiện giám sát kịp thời là rất tốt.
 
-Tiếp đến phải chuẩn bị và tổ chức tốt các cuộc giám sát: từ khâu chuẩn bị nắm tình hình đến những thông tin cần thiết liên quan đến nội dung giám sát, đối tượng giám sát. Cần có dự liệu những tình huống, những vấn đề cần đi sâu, làm rõ; phải có phương pháp, hình thức giám sát khoa học và phù hợp và nhất là thành lập đoàn giám sát phải có những thành viên am hiểu sâu về lĩnh vực cần giám sát.
 
- Xác định chính xác các nội dung cần kiến nghị. Kết luận giám sát phải hết sức khách quan: đánh giá đúng những ưu điểm và điều quan trọng là chỉ ra được những hạn chế, thiếu sót, những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện các Nghị quyết, chính sách, pháp luật; đề xuất hướng giải quyết khả thi, kiến nghị cơ quan chức năng có những giải pháp để khắc phục.
 
Tiếp tục theo dõi việc thực hiện của UBND và các cơ quan chức năng; qua các kiến nghị hoạt động giám sát của HĐND: 
 
Hiệu quả cuối cùng của hoạt động giám sát tùy thuộc vào kết quả của việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Do vậy việc theo dõi thực hiện các kiến nghị qua hoạt động giám sát được xem như là sự tiếp tục của hoạt động giám sát.
 
Nếu cơ quan nhà nước không chịu sửa sai, không thực hiện các kiến nghị thì giải quyết theo hướng cao hơn, như ban hành nghị quyết về thực hiện các kiến nghị; sau đó giám sát thực hiện Nghị quyết. Do vậy cần phải xây dựng hồ sơ giám sát, nhằm đảm bảo cập nhật thông tin thường xuyên cho các hoạt động tiếp theo.
 
Thứ ba: Trong thực hiện chức năng giám sát cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND với UBMTTQ và các thành viên của UBMTTQ, giữa hoạt động giám sát với công tác tiếp xúc cử tri... nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong hoạt động giám sát. Trong việc tiếp xúc với cử tri sẽ tạo điều kiện cho các đại biểu Hội đồng nhân dân trao đổi thông tin về kiến thức pháp luật, về tình hình chấp hành pháp luật nói chung, cũng nhu trao đổi về kinh nghiệm trong hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng giám sát của Hội đồng nhân dân và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của HĐND.
 
Thứ tư: Để giám sát đạt hiệu quả cao thì việc thu thập thông tin là rất cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện tốt điều này, đại biểu phải biết lắng nghe thông tin từ phía cử tri và phân tích, đánh giá tính chính xác thông tin, đồng thời đối chiếu với các quy định pháp luật để xem xét vấn đề một cách toàn diện trước khi kết luận. Các đại biểu cần được tập huấn thường xuyên hơn về công tác này; Bản thân mỗi đại biểu cũng cần trau dồi kiến thức, nâng cao hiểu biết về pháp luật cần phải tăng cường công tác thông tin, làm tốt công tác tuyên truyền xây dựng pháp luật.
 
Thứ năm: Thường trực Hội đồng nhân dân phải chủ động, sáng tạo, tìm ra biện pháp hợp lý để đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng nhân dân. Cần phân công hợp lý cho các Ban trong công tác giám sát, trong việc tiếp công dân nhằm đảm bảo cho pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân được thực hiện nghiêm chỉnh, góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, động viên, khuyến khích cơ sở phát huy những mặt tốt, và chỉ ra được những sai sót cần kịp thời sửa chữa. Từ đó tạo được mối quan hệ tốt và gắn bó giữa Hội đồng nhân dân và các đơn vị được giám sát.
 
Thứ sáu: Đại biểu Hội đồng nhân dân phải gắn bó với cử tri: vừa lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri, vừa giám sát, vừa tác động và đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thoả đáng các ý kiến, nguyện vọng của cử tri. Hội đồng nhân dân phải có trách nhiệm nâng cao năng lực và trách nhiệm cho đại biểu Hội đồng nhân dân như tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho đại biểu tham gia hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân.
 
Thứ bảy: Quy định cụ thể việc thực hiện kết luận giám sát: HĐND giám sát, phát hiện những sai sót, khiếm khuyết trong quá trình thực thi nhiệm vụ của các đối tượng chịu sự giám sát mà chỉ có thể kiến nghị xử lý, khắc phục thì hiệu lực không cao. Cần phải có chế tài đủ mạnh, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân chịu sự giám sát. Nói cách khác, cần có Luật về hoạt động giám sát của HĐND để tạo hành lang pháp lý cho cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương hoạt động thực sự hiệu quả.
 
Báo cáo kết luận giám sát của Thường Trực HĐND và 2 Ban HĐND thị xã phải gửi đến cấp ủy để trực tiếp chỉ đạo; Nếu cần có thể tổ chức tái giám sát.
Qua đó nhận thấy, để từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cần có nhiều giải pháp đồng bộ./. (Tăng Khắc Trung- Ủy viên Thường trực HĐND thị xã Ayun Pa)
 

contract-(4).png Thông tin bản quyền

- Cơ quan: UBND thị xã Ayun Pa - tỉnh Gia Lai
- Địa chỉ: Số 63 Nguyễn Huệ - Đoàn Kết - thị xã Ayun Pa - Gia Lai
- Điện thoại: (0269) 3 852700 - Fax: (0269)3852700
- Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
- Người chịu trách nhiệm: Ông: Đoàn Thanh Phong - Chánh Văn phòng HĐND- UBND thị xã
- Giấy phép: Số 04/GP-TTĐT ngày 15/6/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông.
tinnhiemmang-(2).png

pie-chart.png Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Tuần hiện tại: 0
Tháng hiện tại: 1
Năm hiện tại: 1
Tổng lượt truy cập: 1
Số người on-line: 1

customer-service.png Hỗ trợ kỹ thuật

 
Sdt:(0269) 38522700
Email: ubndayunpa@gialai.gov.vn
   Copyright © 2017