KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG “LÀM THAY ĐỔI NẾP NGHĨ, CÁCH LÀM TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐỂ TỪNG BƯỚC VƯƠN LÊN THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG” TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ AYUN PA

Default news teaser image

Thị xã có 12 dân tộc anh em cùng chung sống xen kẽ giữa 04 xã và 04 phường, gồm 49 thôn và tổ dân phố, trong đó có 26 thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn chung đời sống kinh tế xã hội của nhân dân trên địa bàn thị xã những năm qua có bước phát triển mới, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững ổn định; công tác phối hợp giữa chính quyền Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ngày một chặt chẽ hơn, sức mạnh của cả hệ thống chính trị ngày càng được phát huy. Tuy nhiên, do trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn còn thấp, còn chịu sự ảnh hưởng của một số tập tục lạc hậu; ý thức tự lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao, một bộ phận còn trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, còn cho rằng đầu tư xóa đói giảm nghèo là việc của Nhà nước, của chính quyền các cấp nên họ chưa có ý thức hợp tác và nỗ lực vươn lên thoát nghèo, vì vậy đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Những yếu tố khách quan trên phần nào cũng làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp các ngành phát động.
Thực hiện Kế hoạch số 449/KH-MT, ngày 23/7/2011 và Hướng dẫn số 529/HD-MT, ngày 28/11/2011 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về việc triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Ayun Pa đã chủ động tham mưu, xin ý kiến cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền và các đoàn thể xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương. Trước mắt tiến hành khảo sát để nắm rõ nguyên nhân nghèo của từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ đó xây dựng kế hoạch tập huấn, dạy nghề, triển khai các gói hỗ trợ của nhà nước để giúp đỡ, hỗ trợ từng đối tượng hộ nghèo trong vùng đồng bào dân thiểu số nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững, với tinh thần hỗ trợ “cái” mà người nghèo cần thiết nhất (như cây, con giống, vốn, đất sản xuất…) mà bản thân hộ nghèo hiện không thể có được. Từ đó chủ động phối hợp với các đoàn thể và các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn, tư vấn giúp đỡ đồng bào biết biết cách “làm ăn”, tích lũy, có dư để tái đầu tư cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi dần tăng thu nhập, biết tiết kiệm chi phí để phòng khi thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến mùa màng, giá cả nông sản xuống thấp, hoặc không may ốm đau, hoạn nạn xảy ra làm cho đời sống của bà con có thể tiếp tục gặp khó khăn. Tranh thủ mọi nguồn lực để hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ nghèo ổn định cuộc sống, lồng ghép vào các phong trào thi đua của các tổ chức đoàn thể như: phong trào “Phụ nữ Ayun Pa với hũ gạo tiết kiệm của Bác”, “Gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp phụ nữ; Hội nông dân với phong trào “Nông dân sản xuất giỏi”, Đoàn thanh với phong trào “Thanh niên lập thân lập nghiệp”,...
Đến nay cuộc vận động vẫn tiếp tục được trển khai sâu rộng, song song cùng với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào Dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” còn có các cuộc vận động lớn do Ủy ban Trung ương Mặt trận TQVN phát động như cuộc vận động xây dựng quỹ “Vì người nghèo”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ những cuộc vận động trên, thị xã Ayun Pa còn hỗ trợ hàng trăm con bò, dê giống với tổng trị giá trên 01 tỷ đồng để giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã, phường trên địa bàn thoát nghèo bền vững, ổn định đời sống. Nhiều hộ từ chỗ còn nghèo, cận nghèo đã tự lực vươn lên ổn định cuộc sống, biết cách làm giàu bằng cách nghĩ, cách làm thiết thực hiệu quả như: biết tiết kiệm, tích lũy để có nguồn vốn, sau đó mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình; nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã biết tổ chức các hình thức sản xuất có hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao; biết giữ gìn cảnh quan môi trường, sinh hoạt, ăn uống hợp vệ sinh, đa số đã ý thức và thực hiện nuôi nhốt gia súc, gia cầm ngoài gầm nhà sàn cách xa nơi ở theo quy định; biết chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình; biết quan tâm đầu tư cho con cái học hành; biết đoàn kết giúp đỡ nhau cùng thoát nghèo; xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan như: chôn chung, lãng phí trong việc tổ chức cưới, việc tang, lễ hội … làm ảnh hưởng đến sức khỏe, vệ sinh môi trường, cũng như thời gian, tiền của; đa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực học tập văn hóa, nâng cao trình độ dân trí, biết tiếp thu cái mới, biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình đạt giá trị kinh tế ngày càng cao; nhiều hộ gia đình đã biết kinh doanh, biết quản lý, biết xây dựng kế hoạch chi tiêu tài chính đúng mục đích, có tích lũy để ưu tiên vào việc đầu tư lại cho sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi tăng thu nhập cho gia đình, nhiều hộ gia đình người đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn thị xã Ayun Pa nhờ biết “thay đổi nếp nghĩ, thay đổi cách làm” mà đã thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình điển hình như các hộ ông Hoàng Như Chính dân tộc Tày ở tổ 2 phường Cheo Reo, hộ Bà Ksor H’ Lem tổ 4, phường Sông Bờ, hộ bà Siu H’ Mi tổ 8, phường Hòa Bình, hộ Ông Nay Thuy, tổ 9 phường Đoàn Kết, hộ ông Nay Jố; Nay Ơr, Quách Văn Ba, ở  Bôn Sar, xã Ia Rbol, Siu Nuik, Ksor H’ Krôt, xã Ia Rtô, hộ ông Nay Ý, Ksor Bo ở xã Ia Sao...
Kết quả từ đầu năm 2011 (Từ khi bắt đầu triển khai cuộc vận động) thị xã có tổng số hộ nghèo là 1.244, chiếm tỷ lệ 15,85% trong đó hộ nghèo là người DTTS là 856 hộ chiếm tỷ lệ tới 10,91% so với tổng số hộ trên địa bàn thị xã. Đến cuối năm 2019 số hộ nghèo trên toàn địa bàn giảm xuống còn 271 hộ chiếm tỷ lệ 2,91% trong đó số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm xuống còn 197 hộ chiếm 72%. Cuộc vận động đã đóng góp tích cực vào kết quả xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thị xã giai đoạn 2010-2020. Đến nay 4/4 xã trên địa bàn thị xã Ayun Pa đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Có thể khẳng định cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cuộc vận động bước đầu đã làm cho bộ mặt nông thôn của thị xã Ayun Pa ngày một khang trang hơn, tình hình An ninh chính trị, trật tự ATXH được giữ vững ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Để tiếp tục phát huy có hiệu quả Cuộc vận động này, trong thời gian tới cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức Chính trị - xã hội cùng đông đảo quần chúng nhân dân, làm cho cuộc vận động ngày càng lan tỏa sâu rộng, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, làm tốt công tác dân tộc, cũng cố và tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung, thị xã Ayun Pa nói riêng./.
                                                                                                                                                                                                                                                  Thực hiện: Trịnh Văn Lương
                                              TUV, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Ayun Pa

Quay lại